VHO – Bắt đầu từ mùa Xuân Ất Tỵ 2025, Thừa Thiên Huế chính thức thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là tin vui chuẩn bị bước vào thềm năm mới với những kỳ vọng thay đổi, tiến bộ tích cực.
Riêng những người trong ngành Văn hóa, tham gia cổ súy phong trào Áo dài Huế, lại càng có những đánh giá, niềm tin tình hình mới sẽ càng tạo đà thuận lợi để Di sản Áo dài Huế thêm phát triển, nhất là về khía cạnh công nghiệp văn hóa.
Phác thảo một lộ trình…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, “chủ soái” phong trào Áo dài Huế nhìn nhận, sau 4 năm vận động, đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” đang thu nhận được nhiều kết quả hưởng ứng, và nhất là bắt đầu định dạng một lộ trình rõ nét.
Ông Phan Thanh Hải phân tích, cho đến nay, địa phương bắt đầu thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đưa hoạt động đầu tư, thiết chế văn hóa vào định hướng tạo những giá trị thực thể, giúp tăng trưởng kinh tế. Các Di sản văn hóa, cụ thể là nghề may đo và mặc áo dài tại Huế, được áp dụng nhiều cơ chế và nguồn lực để tạo ra hàng hóa, phục vụ cuộc sống, sinh hoạt người dân.
Các mảng thiết kế, may đo áo dài với vị trí một ngành nghề thủ công, vừa là một ngành thiết kế sáng tạo, tạo ra những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao, đang được hỗ trợ phát triển. Sau hoạt động này, là hàng loạt các ngành dịch vụ, kinh tế sản xuất như hàng lưu niệm, đồ chơi, sản xuất các phụ kiện, hoạt động điện ảnh, mỹ thuật…
“Tất cả chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, vừa tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế”, ông Hải đánh giá.
Với cách nhìn nhận này, nghề may đo và mặc Áo dài Huế đang có cơ hội trở thành một lĩnh vực kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển sản phẩm. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tại Huế có thể triển khai những xưởng may đo, may mặc Áo dài Huế cả theo hướng truyền thống lẫn hiện đại, vừa thủ công vừa công nghiệp hóa.
Kinh nghiệm này, có thể học tập từ thành phố Hội An, nơi nhiều tiệm may đo “tại chỗ”, giao thành phẩm trong ngày cho du khách được phát triển, thu hút rất nhiều du khách và người dân đến may đo, mua mẫu áo dài may sẵn, các loại thời trang, phục trang khác nhau…
Theo Tiến sĩ Thái Kim Lan, vận dụng những mô hình này, những tiệm may uy tín ở Huế sẽ rất nhanh trở thành những tâm điểm thương hiệu lớn, thực hiện may mặc số lượng lớn và thời gian nhanh cho người tiêu dùng. Các du khách, người dân sẽ rất tiện lợi đặt may, đặt mua áo dài qua các thương hiệu này.
Đặc biệt theo nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, cơ hội phát triển Áo dài theo hướng “công nghiệp hóa”, tạo những dây chuyền, xưởng may công nghiệp là khả thi, nếu địa phương có chủ trương tạo điều kiện đầu tư thuận lợi.
Đơn giản những đơn vị dệt may lớn tại địa phương, như công ty Cổ phần Dệt may Huế, nếu có định hướng đầu tư từ chính quyền và lãnh đạo doanh nghiệp, sẽ có thể tận dụng những dây chuyền may có sẵn để thành lập công xưởng may áo dài, nhất là các mẫu áo dài cách tân, hợp với giới trẻ.
Các sản phẩm này sẽ áp dụng các mẫu kích cỡ quy chuẩn, may đo hàng loạt, giúp giá thành giảm và chất lượng, độ bền sản phẩm đảm bảo. Như thế, mỗi năm, Huế có thể sản xuất, hướng đến xuất khẩu hàng chục ngàn bộ áo dài, tạo cơ hội rất lớn cho sản xuất dệt may địa phương và tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Cần đầu tư chiều sâu!
Theo ông Phan Thanh Hải, vấn đề lâu nay của Huế, là nhìn nhận các thương hiệu áo dài ở góc cạnh những vật phẩm văn hóa truyền thống hữu hiệu, triển khai quảng bá về tính văn hóa nghệ thuật… Song cùng với cơ hội Di sản, Áo dài Huế cần được đầu tư, trở thành hàng hóa, vật phẩm lưu niệm ý nghĩa với du khách trong và ngoài nước.
Khi nhìn nhận Áo dài Huế là “tài sản” văn hóa để tổ chức kinh doanh, buôn bán, thành quả thu được chính là nguồn tài chính, để tái đầu tư hữu hiệu vào phong trào chấn hưng quốc phục.
Song để hướng đi này thành thực tiễn, Huế rất cần nhận được và tổ chức cho được nhiều giải pháp đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội. Trước hết, Áo dài Huế là Di sản văn hóa phi vật thể do cộng đồng nắm giữ, thì cần thiết phải quảng bá, định vị vai trò tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy, phát triển di sản, với tư cách là chủ thể. Cộng đồng người dân vì vậy phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham gia vào hành trình bảo tồn và phát huy giá trị tri thức dân gian đó.
Thứ hai, chính quyền, các cơ quan quản lý chức năng cần nhận diện rõ nhu cầu, định hướng quy hoạch cần thiết cho việc phát huy các giá trị Di sản địa phương, xác định bảo tồn, phát huy hai giá trị tri thức dân gian là “may mặc” và “tập quán sử dụng” ở Di sản Áo dài Huế, là hai giá trị cần được thực hiện song song.
Các hoạt động tổ chức kinh doanh, dịch vụ quảng bá Áo dài Huế, như dịch vụ cho thuê áo dài trình diễn, trang phục, các dịch vụ may đo, sửa chữa thiết kế… rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Vận động mặc áo dài phải trở thành một phong trào lớn, càng bình dân gần gũi người lao động, với giới trẻ càng hiệu quả.
Những cơ quan văn hóa, hoạt động du lịch, giáo dục… cần chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin giải thích để hỗ trợ cán bộ, nhân viên quen mặc áo dài, từ đó tạo sức lan tỏa ra cộng đồng xã hội, trở thành những hình ảnh thường nhật với người dân Huế…
Thứ ba, sử dụng lợi thế công nghiệp văn hóa, địa phương cần có những cơ chế phù hợp, xúc tiến triển khai các ý tưởng, đề tài ứng dụng thiết kế áo dài vào thực tiễn, để áo dài trở thành trang phục phổ biến, giá thành hợp lý, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hình ảnh Áo dài Huế khi được cổ vũ theo hướng này, chắc chắn sẽ lan tỏa mạnh mẽ, để ý nghĩa chiếc áo dài Việt Nam thêm nhiều cơ hội tiếp cận với du khách và văn hóa quốc tế.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/bai-cuoi-manh-me-cung-cong-nghiep-van-hoa-114407.html