ThS, bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trả lời như sau: Người lớn thường nghĩ trẻ không cần dùng kem chống nắng, chỉ cần che phủ kỹ và tránh để trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khẳng định, cần sử dụng một lượng nhỏ kem chống nắng chứa 15 +++ SPF (yếu tố chống nắng) cho các khu vực như: Mặt, mu tay của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu trẻ phải tiếp xúc với ánh nắng.

Lý do nên dùng kem chống nắng cho trẻ là da trẻ dễ bị tia cực tím trong ánh nắng gây tổn thương. Ngoài dãy quang phổ bảy màu, trong ánh nắng còn có tia cực tím với 3 loại là UVA, UVB và UVC. Những tia cực tím, đặc biệt trong ngày nắng gắt có cường độ cao (chỉ số UV từ 6 trở lên) sẽ gây ra nhiều tác hại cho làn da trẻ em. Da của người trưởng thành có độ đàn hồi cao nhờ hệ thống sợi collagen vững chắc. Tuy nhiên, sợi collagen ở da trẻ rất nhỏ nên độ đàn hồi, chức năng chống chọi với ánh nắng mặt trời thấp hơn nhiều lần so với người lớn. Vì vậy làn da mong manh, nhạy cảm của trẻ cũng cần được chống nắng.

Ảnh minh họa: Bệnh viện Vinmec 

Tổn thương da bởi ánh nắng dễ gặp nhất ở trẻ nhỏ là khi đi tắm biển, ở hồ bơi hoặc đột ngột ra ngoài khi trời nắng mạnh, với các biểu hiện khác nhau. Cháy nắng ở mức độ nhẹ gây mẩn đỏ, cảm giác rát trên bề mặt da. Cháy nắng nghiêm trọng dễ gây tổn thương da và có thể được điều trị như một dạng bỏng nặng. Da trẻ bị phồng rộp, cảm giác đau rát khó chịu, vài ngày sau da sạm nâu đen, bong vảy và tróc dần như da rắn. Hoặc trẻ bị phát ban đa dạng ánh sáng: Bệnh thường khởi phát vào mùa hè, do phơi nhiễm nhiều với ánh nắng. Triệu chứng của bệnh là nổi các ban, mẩn đỏ, mụn nước, thậm chí có bọng nước ở vị trí da hở như mặt, cổ vùng tam giác cổ áo, cánh tay, cẳng tay và mu tay, mu chân…

Ánh nắng cũng có thể làm khởi phát và nặng hơn những bệnh da như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, nám da, phát ban đa dạng ánh sáng… Nếu phải tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mạnh, da trẻ sẽ bị lão hóa do tia cực tím, xuất hiện nhiều vết tàn nhang, đồi mồi, thô ráp, các nếp nhăn như ở độ tuổi trưởng thành. Nguy hiểm hơn, cả 3 loại tia cực tím UVA, UVB và UVC đều làm tổn thương da, tăng quá trình lão hóa, tổn thương ADN, tạo ra nhiều gốc tự do, gây tăng sinh tế bào viêm ở trung bì và lâu dài gây ung thư da.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo: Chỉ nên sử dụng kem chống nắng trên các vùng da của bé có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi không được che phủ bằng quần áo. Việc dùng kem chống nắng này nhằm tránh những nguy hiểm của “quá liều” ánh nắng mặt trời. Kem chống nắng tốt nhất dành cho trẻ em phải bảo đảm các yêu cầu: Có chỉ số SPF từ 15+++; cung cấp sự bảo vệ đối với cả tia UVA và UVB; chọn loại kem chống nắng có dòng chữ “phổ rộng” (broad spectrum) ở trên nhãn. Ưu tiên chọn kem chống nắng vật lý, chứa thành phần titanium dioxide, kẽm dioxide giúp chống lại cả tia UVA, UVB và xác suất gây dị ứng da thấp hơn kem chống nắng hóa học; khó bị rửa trôi bởi nước; ít gây dị ứng, không có mùi thơm và dễ dàng sử dụng cho bé như gel, dạng xịt, dạng phun…

Để tránh trường hợp bé bị dị ứng, cha mẹ nên bôi thử nghiệm kem chống nắng ở chính những vùng da mỏng trên cơ thể mình. Nếu không thấy dấu hiệu của dị ứng hay phản ứng lạ, hãy thử trước một lượng nhỏ lên phần tay, hoặc chân của trẻ. Bôi kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra ngoài, lưu ý thoa đều những khu vực nhạy cảm, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất như mũi, tai, má và vai. Không thoa lên vùng mắt, miệng trẻ. Đối với trẻ nhỏ, chỉ cần thoa kem đủ để bảo vệ các khu vực tiếp xúc với ánh nắng khi không được che phủ bởi quần áo. Thoa lại kem sau 2-3 giờ hoặc thường xuyên hơn, nhất là khi trẻ bị đổ mồ hôi, hoặc bơi, nghịch nước nhiều; không cho trẻ ở dưới ánh nắng quá 2 giờ… Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng kem chống nắng nếu trẻ có cơ địa quá nhạy cảm hoặc trẻ đang gặp các vấn đề về da như mẩn ngứa, mụn nước, phát ban. Bởi những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị kích ứng da, viêm da và nhiễm trùng. Trẻ cần được đưa tới bác sĩ nếu xuất hiện những triệu chứng này sau khi ra nắng:  Phồng rộp ở vết cháy nắng; tình trạng đỏ da tiến triển nặng hơn; sưng phù ở mặt; sốt, ớn lạnh, mệt mỏi; đau đầu (trẻ chưa biết nói thường khóc nhiều và đưa tay lên đầu); khát nước, miệng rất khô, không có nước mắt khi khóc; giảm tiểu tiện.

 Các thắc mắc về sức khỏe xin được gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: [email protected], [email protected]. Điện thoại: 0243.8456735.

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.