Bác sĩ chia sẻ cách giúp phòng cúm trong thời điểm giao mùa

Báo Thanh niênBáo Thanh niên11/02/2025

Theo y học cổ truyền, để phòng cúm cần giữ ấm cơ thể, ăn thực phẩm ấm nóng, bổ phế, uống trà thảo dược, tăng cường bổ sung vitamin từ trái cây, vận động và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng, phòng cúm.


Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, cúm hay còn gọi là cảm mạo, là một bệnh thường gặp, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Ngoài các biện pháp tăng cường miễn dịch như tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, kiểm soát các bệnh lý mạn tính một cách tích cực, y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện, đặc biệt thông qua chế độ dinh dưỡng.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây cúm chủ yếu do ngoại tà (tà khí từ bên ngoài) xâm nhập vào cơ thể, thường là phong hàn hoặc phong nhiệt. Khi chính khí (sức đề kháng của cơ thể) suy yếu, tà khí dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.

Sử dụng thực phẩm ấm nóng

Ưu tiên các món ăn có tính ấm, giúp tăng cường dương khí, như cháo gừng, súp hành, các loại thịt gia cầm, các loại đậu,...

- Cháo gừng: Gạo tẻ 50g, gừng tươi 10g, hành lá 15g. Gạo vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho gừng thái lát và hành lá vào, nêm gia vị vừa ăn.

- Súp gà: Gà ta 1 con, cà rốt 1 củ, khoai tây 1 củ, hành tây 1 củ. Gà luộc chín, xé thịt, nước luộc gà dùng để nấu súp. Cà rốt, khoai tây thái hạt lựu, hành tây thái nhỏ. Cho tất cả vào nồi nước luộc gà, nêm gia vị vừa ăn.

Tăng cường các thực phẩm bổ phế

Các thực phẩm như lê, táo, hạnh nhân,... có tác dụng bổ phế, giúp tăng cường chức năng hô hấp, phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.

- Lê chưng đường phèn: Lê 1 quả, đường phèn 20g. Lê khoét bỏ hạt, cho đường phèn vào, đem chưng cách thủy khoảng 30 phút.

- Cháo hạnh nhân: Gạo tẻ 50g, hạnh nhân 10g. Gạo vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho hạnh nhân đã xay vào, nêm gia vị vừa ăn.

Tăng cường vitamin

Bổ sung các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi,...) và vitamin nhóm B giúp tăng cường sức đề kháng.

- Sinh tố cam: Cam 2 quả, đường 10g. Cam vắt lấy nước, thêm đường vào, khuấy đều.

- Salad rau củ: Xà lách, cà chua, dưa chuột, cà rốt,... rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều, nêm gia vị vừa ăn.

Bác sĩ chia sẻ cách giúp phòng cúm trong thời điểm giao mùa- Ảnh 1.

Salad từ rau củ giúp bổ sung vitamin, tăng đề kháng

Vận động nghỉ ngơi hợp lý

Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, vừa sức giúp khí huyết lưu thông, tăng cường sức khỏe tổng thể. Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức, giữ tinh thần thoải mái.

Ngăn ngừa tà khí xâm nhập để phòng cúm

Giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng đầu, cổ, ngực, bụng và chân. Tránh để cơ thể bị lạnh, ẩm ướt. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi ở nơi đông người. Tránh tiếp xúc với người đang bị cúm. Hạn chế các loại đồ ăn, đồ uống lạnh, đồ sống... để tránh làm tổn thương tỳ vị, giảm sức đề kháng.

Sử dụng các biện pháp hỗ trợ

Sử dụng các loại lá thảo dược như sả, lá chanh, lá bưởi,... để xông hơi giúp thông thoáng đường hô hấp, giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi. Uống các loại trà như trà gừng, trà tía tô, trà hoa cúc,... có tác dụng giải cảm, ấm bụng, tăng cường sức đề kháng.

- Trà gừng: Gừng tươi 10g, đường 10g. Gừng thái lát, hãm với nước sôi, thêm đường vào, khuấy đều.

- Trà tía tô: Lá tía tô 10g, đường 10g. Lá tía tô thái nhỏ, hãm với nước sôi, thêm đường vào, khuấy đều.

Bác sĩ chia sẻ cách giúp phòng cúm trong thời điểm giao mùa- Ảnh 2.

Dùng các loại lá thảo dược như sả, lá chanh, lá bưởi,... để xông hơi giúp thông thoáng đường hô hấp, giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi

Ngoài ra, các phương pháp châm cứu, bấm huyệt có thể giúp điều hòa khí huyết, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, cần được thực hiện bởi người có chuyên môn.

"Các biện pháp trên chỉ mang tính chất phòng ngừa và hỗ trợ. Việc kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ và các biện pháp hỗ trợ khác sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Nếu có các triệu chứng của cúm, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc áp dụng các phương pháp y học cổ truyền, cần có sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả", bác sĩ Oanh khuyến cáo.



Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-chia-se-cach-giup-phong-cum-trong-thoi-diem-giao-mua-18525020815400039.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available