Tham dự Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia, ngày 11/9 tại Hà Nội, Bắc Kạn mang đến nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Saudi Arabia trên nhiều lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, các địa phương và đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Hà Nội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh (Saudi Arabia), Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia thu hút sự tham gia của hơn 750 đại biểu, trong đó có gần 100 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, quỹ đầu tư và các tập đoàn, doanh nghiệp Saudi Arabia. Đây cũng là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.
Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn tham dự Diễn đàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; lãnh đạo các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, một số doanh nghiệp, hợp tác xã…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm gian hàng của tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Thành Hải) |
Ngoài các hoạt động xúc tiến, giao thương, Diễn đàn cũng dành không gian trưng bày các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của nhiều doanh nghiệp và địa phương Việt Nam. Tại gian hàng của tỉnh Bắc Kạn có các Công ty, hợp tác xã: Công ty CP Công nghệ Dược liệu Bắc Hà, Công ty TNHH Hà Diệp, Công ty CP Nông sản Bắc Kạn, Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao BKFOODS.
Đây là cơ hội để cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiềm năng, có thế mạnh của tỉnh, nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm với đoàn doanh nghiệp của Saudi Arabia.
Các sản phẩm tham gia trưng bày tại gian hàng tỉnh Bắc Kạn là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: Các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất từ củ nghệ (Vicumax Nano Curcumin, Tinh bột nghệ, viên tinh nghệ mật ong, bột nghệ, nghệ khô,…); các sản phẩm chế biến từ nông sản (gừng sấy khô, măng sấy; Trà hoa vàng, trà nụ vối, trà giảo cổ lam, miến dong,…).
Sau Phiên khai mạc toàn thể và lễ ký kết các văn kiện hợp tác, Diễn đàn còn có các hoạt động kết nối doanh nghiệp gồm Phiên đối thoại doanh nghiệp-doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp-địa phương (B2P).
Đã có hàng trăm lượt trao đổi, kết nối trực tiếp được thực hiện giữa các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út và các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp sắt, thép, khai khoáng, phụ tùng công nghiệp, xây dựng, đầu tư, y tế, mỹ phẩm, dược phẩm, thể thao, du lịch, nguồn nhân lực, vận tải, bán lẻ, đồ gỗ, may mặc, nông nghiệp, thủy sản và công nghệ thông tin.
Trong thời gian tại Việt Nam, các doanh nghiệp Saudi Arbia đã thăm một số khu công nghiệp, chế xuất, cảng biển và doanh nghiệp tại một số địa phương, nhằm cụ thể hoá sự quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Saudi Arabia với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Saudi Arabia là nền kinh tế có quy mô lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh, đang triển khai quyết liệt Chiến lược “Tầm nhìn 2030” tăng cường đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển nền kinh tế phi dầu mỏ, cải cách, mở cửa và đẩy mạnh triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm mục tiêu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế hằng đầu thế giới vào năm 2030.
Quốc gia này cũng là nền kinh tế có quy mô lớn nhất và là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều của nước này so với Việt Nam năm 2022 đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình tại gian trưng bày của tỉnh. |
Bắc Kạn là tỉnh miền núi ở vị trí trung tâm các tỉnh phía Bắc, có diện tích đất tự nhiên khoảng 485.996 ha; với đất đai màu mỡ, Bắc Kạn có lợi thế về phát triển sản xuất tập trung các sản phẩm nông, lâm nghiệp với quy mô lớn, từng bước tham gia vào thị trường phân phối hiện đại trong nước và hướng tới xuất khẩu như gừng, mơ, đũa gỗ… đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng cấp chứng chỉ Halal để hướng đến thị trường Ả-rập Xê-út.
Mặt khác, Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, đặc biệt tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, vì vậy khí hậu trong lành rất phù hợp cho phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, khu dưỡng lão đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Với tiềm năng về khoáng sản khá triển vọng nguồn tài nguyên được dự báo khoảng hơn 15 triệu tấn, tỉnh Bắc Kạn có thể hợp tác với các doanh nghiệp Saudi Arabia trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển các sản phẩm như ắc quy, pin mặt trời, mạch điện cho các thiết bị điện tử…