Bà Nguyễn Thị Lệ: 7 tuyến metro của TP.HCM sẽ nằm trên giấy nếu không có các giải pháp đột phá

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ14/02/2025

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho hay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, TP sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, có cam kết tiến độ rõ ràng từ nay đến năm 2035 cho 7 tuyến metro dài 355km.


Bà Nguyễn Thị Lệ: Sẽ có kế hoạch, cam kết tiến độ rõ ràng với 7 tuyến metro của TP.HCM dài 335 km - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ - Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 14-2, Quốc hội thảo luận tổ một số nội dung, trong đó về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP.HCM.

Mong mỏi của người dân chưa dừng lại ở metro số 1

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho hay thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với dân số hơn 10 triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Bà Lệ nêu rõ: Thực tế cho thấy nếu không có hệ thống vận tải công cộng hiện đại, sức chở lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, thành phố sẽ khó giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và quá tải hạ tầng.

Bà chỉ rõ sau thời gian dài chờ đợi, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22-12-2024 và nhanh chóng phát huy hiệu quả, được đón nhận rất tích cực.

Việc này thể hiện ở số lượng hành khách sử dụng cao hơn dự kiến, góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông khu vực phía đông thành phố.

Điều này cho thấy người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ.

Tuy nhiên, bà Lệ chỉ rõ sự mong mỏi của người dân chưa dừng lại ở metro số 1. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh để triển khai đầu tư xây dựng nhanh chóng.

Đây là tuyến metro đi qua nhiều khu dân cư có mật độ cao, là tuyến xương sống giúp giảm áp lực giao thông khu vực phía bắc - tây TP.HCM.

"Vì vậy, việc sớm khởi công xây dựng tuyến metro này là yêu cầu cấp thiết của TP và mong mỏi rất lớn của đồng bào thành phố, khu vực lân cận", bà Lệ nhấn mạnh.

Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển metro TP.HCM

Về các tuyến metro còn lại, theo bà Lệ vẫn chỉ dừng ở mức quy hoạch, chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện.

Nếu không có những giải pháp đột phá, hệ thống metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy, không thể sớm đầu tư để phát huy vai trò thực sự trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị TP.HCM.

Do đó sau khi Bộ Chính trị có kết luận 49 vào tháng 2-2023, TP.HCM, Hà Nội đã thống nhất xây dựng cơ chế đặc thù, đặc biệt và trình Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tổng hợp, trình Chính phủ, Quốc hội.

Nội dung các cơ chế này mang tính đột phá mạnh, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, khai thác quỹ đất dọc tuyến.

Trong đó cho phép TP.HCM huy động vốn linh hoạt, bao gồm phát hành trái phiếu đô thị, khai thác quỹ đất dọc các tuyến metro (mô hình TOD - phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Bố trí vốn từ ngân sách trung ương cho các tuyến metro.

Cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian triển khai. Đơn giản hóa thủ tục phê duyệt đầu tư, giúp thành phố chủ động hơn trong triển khai dự án.

Đồng thời đã phân cấp cho TP.HCM và Hà Nội trong quyết định đầu tư, triển khai các dự án metro. Trao quyền quyết định phương thức lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho thành phố để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thí điểm cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư, giúp TP.HCM chủ động hơn trong việc kêu gọi và triển khai các dự án đường sắt đô thị.

Vì vậy bà Lệ thống nhất các nội dung của đề án và đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế đặc thù, đặc biệt này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, khai thác, đặc biệt tuyến metro số 2 và các tuyến tiếp theo.

Sau khi đề án được Quốc hội thông qua, bà Lệ cho hay lãnh đạo thành phố sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ.

Cụ thể xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, có cam kết tiến độ rõ ràng từ nay đến năm 2035 cho 7 tuyến metro với chiều dài 355km.

Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển metro TP.HCM, có sự tham gia của ngân sách trung ương, địa phương và khu vực tư nhân.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương lân cận đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai các tuyến metro kết nối liên vùng, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hiện đại của toàn khu vực Đông Nam Bộ.



Nguồn: https://tuoitre.vn/ba-nguyen-thi-le-7-tuyen-metro-cua-tp-hcm-se-nam-tren-giay-neu-khong-co-cac-giai-phap-dot-pha-20250214160850685.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn
Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2025

No videos available