Những người lạ khi đến nhà của Trưởng bản Phiêng Luông xin được đi khắp các rừng Lủng Căm tìm vàng đều khẳng định:
– Ở vùng Lủng Căm này có ba chum vàng của người Tàu để lại. Khi nào tìm được vàng chúng tôi sẽ chia cho bản một nửa chứ không dám lấy làm của riêng.
Lời những người lạ khiến cả bản Phiêng Luông chia thành hai nửa. Lão Ngò cùng mấy thanh niên đã âm thầm quyết định mài dao thật sắc để đi cùng người lạ. Người già ở Phiêng Luông chỉ nhìn đám người lạ đi về phía rừng Lủng Căm rồi lại quay về cùng nhau bàn về tết Thanh Minh. Năm nay tết Thanh Minh sẽ đến trước mồng 3/3, như vậy mọi chuyện làm ăn của người Dao sẽ thuận lợi lắm. Chẳng thế mà Chương trình Nông thôn mới đã đưa được con đường bê – tông về lấp kín con dốc Khâu Săm. Bây giờ trời có mưa một tháng cũng chẳng lo không đi được chợ phiên nữa. Mấy năm nay mỗi lần mưa nửa tháng, măng vầu, măng nứa, cả bản phải đổ xuống con suối Khuổi Linh bởi chỉ cần một trận mưa là lái buôn bỏ đi bản khác mua măng, có cho thêm tiền cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện vượt dốc Khâu Săm.
– Ba chum vàng ở khu Lủng Căm này thì ở đâu được nhỉ?
Lão Ngò chẳng thể nghĩ được nơi cất vàng. Đã bao nhiêu mùa săn lão cầm súng đi khắp các khu rừng đuổi hươu, nai, chui các hang săn tìm chuột rừng, lấy phân dơi nhưng chẳng có một chút nào dấu hiệu của vàng ở vùng Lủng Căm này.
Minh họa: Bích Ngọc
Người già thở dài, tay người già đã phát sạch một lớp rừng của vùng Lủng Căm, chân người già có nơi nào chưa đặt đến. Lủng Căm chỉ có màu vàng của đất bạc màu, làm gì có được chút vàng. Nhưng tính ra Lủng Căm rộng lắm, nếu tính cả thì sang tận bên Phiêng Chang cũng thuộc Lủng Căm. Những năm gần đây, rừng được hồi sinh, người trẻ nhìn vào tưởng rừng ở Lủng Căm rậm rạp lắm, già lắm nhưng chúng đâu biết rằng chỉ cách đây chừng hai mươi năm, các ngọn đồi đều chẳng có nổi bóng cây cho đàn trâu trú chân. Mấy năm nay bản Phiêng Luông luôn dẫn đầu xã về trồng rừng, trưởng bản vui vì thành tích đó, người già lại buồn nhiều hơn.
– Ngày trước phá nhiều nhất thì bây giờ phải trồng nhiều nhất thôi.
– Vàng chắc ở thôn khác thôi người lạ ơi! Phiêng Luông không có đâu.
– Hãy để chúng tôi tìm đã!
Lão Ngò và mấy thanh niên vẫn quyết tâm đi cùng người lạ, đoàn người chọn những nơi có núi cao, hy vọng sẽ có những cái hang chưa từng có người đặt chân đến.
– Nhà lão Ngò có ai đến làm đường không nhỉ?
– Có vợ lão đấy.
– Ừ! tưởng đi tìm vàng hết rồi chứ.
Con đường bê tông chầm chậm từng ngày leo lên con dốc Khâu Săm, người già ngóng từng ngày con đường hoàn thiện. Có người chống gậy ra xem, có người lại ra làm chân phục vụ nước cho mọi người. Trời tháng sáu nắng lắm nhưng người Phiêng Luông vẫn cố làm hết buổi, “Nhà nước bỏ tiền, dân mình bỏ sức, như vậy là hợp lý quá rồi” – nhiều người trong bản đã nghĩ như vậy.
Tết Thanh Minh đến, khắp các nhà ở Phiêng Luông đi tảo mộ. Những khu rừng thường ngày ít có người đặt chân đến giờ lại nhộn nhịp hẳn, tiếng cuốc đất, phát cỏ, những khói hương tạo không khí âm u cùng lời khấn vái của người lớn tuổi. Cơn mưa phùn làm mát lòng người già, người trẻ. Năm nay Phiêng Luông sẽ được tổ tiên phù hộ cho làm ăn khấm khá hơn. Giờ điện đã có, đường đã dễ đi hơn, người Phiêng Luông có thêm nhiều cách kiếm tiền, ở gần hơn những cách làm mới, giống lúa tốt hơn, phân bón cũng xuống ruộng đều hơn.
Nhiều nhà ở Phiêng Luông chỉ làm một vụ lúa là đủ ăn, vụ sau thả cá, chăn vịt cũng có thêm tiền cho con đi học, cho cháu bộ quần áo mới. Giờ cuộc sống ổn định, người già, người trẻ ở Phiêng Luông nghĩ đến tổ tiên nhiều hơn khi cái ăn, cái mặc không còn chiếm hết ý nghĩ trong đầu nữa, những ngôi mộ ở xa cũng được đi phát quang, đắp đất mới trong dịp Thanh Minh. Nhiều người đã rời khỏi Phiêng Luông cũng đã quay lại chăm sóc mộ các cụ, con đường đi dễ rồi, người đến đã yên tâm ngồi vững trên xe đến tận bản. Hôm nay, Phiêng Luông đông như ngày hội, người ở xa cũng nán lại với họ hàng lâu hơn vì không phải lo đường về nữa.
Sau Thanh Minh, những tia nắng đã trở lại Phiêng Luông, đợi vài hôm nữa đất khô con đường vượt đèo Khâu Săm sẽ hoàn thành đoạn còn lại. Mấy hôm trước trời mưa phùn nhưng có người ở xa về vẫn đi được ô tô về bản. Đám trẻ con chạy theo chật kín cả đường, người già nhìn thấy cũng ấm lòng.
– Cứ giục tao đi làm đường, tao không đi. Tao mà tìm được vàng chẳng thèm chia cho chúng mày lấy một phân.
– Lúc ấy tha hồ mua xe đẹp, dốc Khâu Săm có là gì chứ.
Cả đoàn người hưng phấn trở lại, điếu thuốc được rít mạnh, khẩu súng trên vai được giữ chặt; tiến về con suối Khuổi Linh.
Ngọn núi Đăm Đeng đang ở trước mặt, lưng chừng núi có cây si to sừng sững có thể nhìn thấy từ cách đó mấy quả đồi. Dưới chân núi, mấy ngôi mộ được dọn dẹp sạch sẽ, những lớp đất mới được đắp lên, người nào yếu bóng vía tưởng mộ mới cũng chẳng dám lại gần. Ngày trước nơi đây có khoảng bốn nhà sinh sống. Con suối Khuổi Linh lạnh ngắt, cây mọc dọc theo bờ suối, đến mùa hoa Bjoóc Mạ nở, cả một khu rực màu vàng của hoa. Trên ngọn núi Đăm Đeng chủ yếu là cây dây leo đan vào nhau khiến trâu, bò và cả người cũng chẳng vào được. Lão Ngò đi trước, con dao mới mài sáng lóa được dịp dùng đến, lão cố phát đường đi lên đỉnh núi. Mấy thằng trai trẻ chẳng đợi được nữa, chúng bò sát đất men theo những mỏm đá tìm kiếm xung quanh.
– Nhớ tìm cẩn thận đấy.
Đến gốc cây si, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi, đội trẻ sức dai vẫn cố trèo lên cây cao nhìn xung quanh nhưng chẳng thu được kết quả gì. Giang che khắp nơi chẳng để nắng lọt xuống dưới, muỗi, vắt ngửi được hơi người tìm đến. Lão Ngò rít thuốc liên tục nhưng chẳng đuổi được lũ muỗi đói.
– Thôi đi tiếp, ngồi đây tý chẳng còn giọt máu nào để sống.
– Từ từ!
– Sao thế?
– Hình như có người.
– Điên à! Khu này làm gì có ai.
Người trẻ từ trên cây tụt xuống rồi ra hiệu im lặng. Hắn chỉ lên phía trên, sau mỏm đá có làn sương dày bay lên.
– Chỗ ấy có một cái hang. Lão Ngò thì thào.
Mọi người gật đầu đồng ý.
– Soạt! Soạt.
Lúc này tiếng soạt soạt rõ dần, mọi người thu hẹp khoảng cách lại, lão Ngò ra hiệu vây lấy miệng hang, cho người quan sát xung quanh xem có người mai phục hay không. Sau khi tất cả đã vào vị trí, lão quát lớn:
– Bọn nào ở trong đấy, mau ra đây! Không thì tao bắn.
– Á!
Hình như tiếng quát của lão khiến người trong hang giật mình trượt ngã xuống hang.
– Ra đây mau!
Lão Ngò nín thở đợi người trong hang đáp lại, giả sử bọn chúng xông ra lão sẽ bóp cò. Có lẽ chính là những người lạ đã tìm đến nơi này, không biết chúng đã kịp chuyển vàng đi chưa. Trời ạ, sao tìm khắp các nơi ở vùng Lủng Căm này lại không nghĩ đến nơi này trước tiên chứ. Lão tựa súng vào mỏm đá đợi sẵn.
– Để tao bắn vào hang dọa chúng nó.
Thằng trẻ hăng máu nhất đến cạnh lão thì thầm nhưng lão can ngay.
– Từ từ! Mạng người không đùa được đâu.
– Đây, đây, ra đây, đừng bắn, hu hu…
Lão Ngò chạy lên miệng hang, cái đầu đen vừa thò ra khỏi lão đã túm lấy tóc giật mạnh.
– Thằng Phin, mày lên đây làm gì.
– Bố! Bố! Sao bố ở đây. Con vào đây bắn chuột.
– Thằng con lão Ngò, suýt nữa thì ăn đạn.
Lão Ngò thở dốc, cầm điếu thuốc rít liên tục, thằng con chân run lập cập đang ngồi cạnh bố, cả đoàn người im lặng, mấy người lạ cũng chỉ ngồi nhìn nhau và nhìn khói thuốc bay lên trời.
– Sao mày lại lên được đây.
– Có đường từ đồi bên kia sang dễ hơn, ngày nào chăn trâu xong con cũng qua đây bắn chuột.
– Mẹ kiếp! Chum với chả Vàng, suýt mất thằng con.
– Giờ tính sao đây lão Ngò.
– Có cái khỉ khô ấy, bỏ, bỏ hết đi…
* * *
Hôm nay là ngày con đường bê tông hoàn thành, lão Ngò cùng đám thanh niên vắng mặt từ đầu giờ đã chịu đi làm. Nhiều người hỏi thăm, cũng có cả lời chê bai nhưng cả đám đều im cúi đầu cố làm nhiều hơn mọi người để mong bù những ngày vắng mặt.
Buổi chiều, khi công việc hoàn tất, không khí hân hoan, vui vẻ đã chiếm hết tâm trí mọi người. Chẳng còn ai chê lão Ngò nữa, đám thanh niên cũng đã hẹn nhau góp rượu thịt để cùng ăn mừng ở nhà trưởng bản. Lão Ngò đi cạnh người già nhưng chẳng nói lời gì.
– Ông Ngò à! Đã đi hết các nơi chưa.
– Đi hết rồi, chỉ chuốc lấy cái mệt, còn suýt nữa mất thằng con. Bọn người lạ chỉ được cái nói phét.
– Những gì không phải của mình thì đừng cố lấy làm gì.
– Sau chuyện này tôi cũng thông rồi!