Tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động
Sáng 9/10 tại thủ đô Viêng Chăn, dưới sự chủ trì của Lào, nước Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2024, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 – 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan với chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” đã chính thức khai mạc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh những thành công của ASEAN đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của các nước thành viên trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối và tự cường, để xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Thủ tướng Lào cho biết đến thời điểm hiện tại, 9 ưu tiên trong Năm Chủ tịch ASAEN 2024 với khẩu hiệu “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” đều đạt tiến độ tích cực, bao gồm việc xây dựng các chiến lược của 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và chiến lược kết nối ASEAN để tổ chức thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; khẳng định năm 2024, ASEAN đã nhấn mạnh việc xây dựng ASEAN kết nối và vững mạnh hơn, nhằm đối phó với những thách thức và tranh thủ các cơ hội để tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh hơn.
ASEAN ngày càng trở thành khu vực được các đối tác bên ngoài ghi nhận và quan tâm, các đối tác đối thoại và đối tác bên ngoài khác luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực đang có nhiều diễn biến, bao gồm cả tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).
Thành viên Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) ngày càng gia tăng và còn nhiều quốc gia muốn nộp đơn xin trở thành thành viên của hiệp ước quan trọng này; số lượng các quốc gia và các cơ quan đối tác của ASEAN ngày càng gia tăng…
Thủ tướng Sonexay Siphandone nhấn mạnh hiện khu vực ASEAN và các khu vực khác trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột vũ trang cho đến những khó khăn về kinh tế – tài chính, biến đổi khí hậu và thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia… trong khi tình hình địa chính trị và địa kinh tế vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ASEAN cần phải kiên định quyền tự chủ, thắt chặt hợp tác để đối phó với những thách thức một cách kịp thời và hiệu quả, đồng thời tận dụng hiệu quả mọi cơ hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm kích trước những lời chia sẻ và sự ủng hộ của các nước ASEAN trong việc khắc phục hậu quả siêu bão Yagi gây ra ở các nước, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình đoàn kết và tương thân tương ái, “một người vì mọi người, mọi người vì một người” tiếp tục là giá trị cốt lõi và cội nguồn sức mạnh của ASEAN.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Trong cục diện nhiều thử thách đó, ASEAN tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu, là cầu nối của đối thoại, hợp tác, và là tâm điểm của các tiến trình hội nhập, liên kết ở khu vực. Các khuôn khổ về kinh tế số, kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn… đang từng bước định hình nội hàm hợp tác mới ở khu vực.
Bày tỏ nhất trí với chủ đề ASEAN 2024 về “Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN trong thời gian tới.
Công tác tổ chức, an ninh, lễ tân và hậu cần cho các hội nghị cấp cao được nước Chủ tịch Lào lên kế hoạch từ sớm, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và bài bản. Hơn 20 hoạt động sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia của Lào từ ngày 8-11/10, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ các nước ASEAN, Timor-Leste, các nước đối tác của ASEAN, cùng nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Dự kiến, hơn 80 văn kiện sẽ được đệ trình các lãnh đạo thông qua, ghi nhận những lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay như ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, chống tội phạm mạng, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)… |
Một là, tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động, vượt qua mọi thách thức. Theo đó, ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, kiên định các chuẩn mực ứng xử và kiên trì lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực. ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường, phát huy nguồn lực nội sinh để giữ vững ổn định chiến lược bên trong và phản ứng chiến lược kịp thời trước các rủi ro bên ngoài.
Hai là, thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công – tư, kết nối đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là kết nối hạ tầng, thể chế và con người là đột phá chiến lược cho ASEAN. Ba là, đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm, độc lập, cân bằng và ứng xử có nguyên tắc trong triển khai quan hệ đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với các đối tác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, thực chất và cùng có lợi.
Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho hợp tác khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025 và trông đợi các nước sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện này.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ cùng Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025 tiếp tục đạt thành quả mới, đánh dấu 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN.
Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển và thành công của ASEAN
Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh, Việt Nam là nước thành viên ASEAN có vai trò quan trọng trong thực hiện tầm nhìn phát triển của ASEAN, có đóng góp to lớn trong việc đề ra chính sách và quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị – An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội.
Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển và phát triển nhanh chóng trong khu vực, có vai trò quan trọng và có mối quan hệ với nhiều nước, nhất là với các nước lớn, điều đó đã đóng góp trực tiếp vào việc tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN thông qua cơ chế ASEAN với các nước đối tác; kiên định với lập trường lấy ASEAN làm trung tâm.
Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác thúc đẩy khuyến khích trao đổi văn hóa và đường lối “ngoại giao cây tre”của mình. Đây là yếu tố quan trọng để tăng cường nhận thức và hiểu biết về vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam (trong cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN) cho biết, gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam khẳng định là thành viên trách nhiệm với vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng. Sự tham gia và đóng góp của ta trong ASEAN thời gian qua có thể gói gọn trong các từ sau: chủ động thực thi, tham gia thực chất và đóng góp thực tâm.
Anh Thư
Nguồn: https://www.congluan.vn/asean-can-lay-tu-cuong-lam-nen-tang-de-vuon-tam-lay-ket-noi-lam-trong-tam-de-but-pha-post316093.html