Tốt nghiệp chuyên ngành nuôi trồng thủy sản tại Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) năm 1998, Thạc sĩ Cao Văn Nguyện bén duyên với Viện Hải dương học và bắt đầu hành trình khám phá thế giới sinh vật biển đa dạng.
Ban đầu, ông tập trung nghiên cứu nhóm động vật có xương sống ở biển và đặc biệt là các loài rắn biển và rùa biển. Từ năm 2001, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như Đan Mạch, Mỹ và Australia, ông đã tham gia nghiên cứu về rắn biển, một lĩnh vực còn nhiều bí ẩn.
Thạc sĩ Cao Văn Nguyện kiểm tra các mẫu vật rắn biển.
Hiện trạng Bảo tàng Hải dương học đang gìn giữ 26 mẫu vật các loài rắn biển quý hiếm; đây là những mẫu vật vô giá, có niên đại từ thời Pháp thuộc. Ông cùng các đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu và bảo quản chúng, góp phần quan trọng vào việc lưu giữ nguồn gen quý hiếm.
Thạc sĩ Cao Văn Nguyện chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một kho tàng mẫu vật chuẩn, phục vụ cho các nhà khoa học, sinh viên và những người yêu thích tìm hiểu về rắn biển. Thông qua việc nghiên cứu, xác định tên tuổi và phân loại học các loài rắn biển, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học biển”.
Thạc sĩ Cao Văn Nguyện giới thiệu với du khách nước ngoài về rắn biển.
Thạc sĩ Cao Văn Nguyện cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng loài rắn biển ở mức cao thế giới, với 26 loài đã được ghi nhận (thế giới ghi nhận 62 loài). Trong đó, có những loài cực kỳ quý hiếm như rắn cạp nong môi vàng, loài rắn biển duy nhất đẻ trứng, hay rắn mũi khoằm, loài rắn độc nhất có huyết thanh có thể dùng để chữa trị cho các loài khác.
Để bảo quản các mẫu vật rắn biển, ông và các đồng nghiệp đã áp dụng nhiều phương pháp khoa học tiên tiến, trong đó bao gồm kỹ thuật tiêm formol. Ông nói: “Đây là một kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn cho bản thân và môi trường”.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, Thạc sĩ Cao Văn Nguyện còn tích cực tham gia nghiên cứu về đặc tính sinh học, vai trò của rắn biển trong hệ sinh thái, cũng như tác động của biến đổi khí hậu đến sự phân bố và sinh sản của chúng.
Các mẫu vật rắn biển được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Dương học.
Thạc sĩ Cao Văn Nguyện là tác giả đứng đầu của bài báo đã đăng trên tạp uy tín của thế giới “Conservation Biology” năm 2014 với tựa đề Sea Snake Harvest in the Gulf of Thailand (Thu hoạch rắn biển ở vịnh Thái Lan), nhằm kêu gọi cộng đồng thế giới chung sức bảo vệ nguồn lợi rắn biển, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi rắn biển.
Ông cũng là tác giả chính của cuốn sách rắn biển Việt Nam và đồng tác giả của 3 bài báo công bố trong hệ thống tạp chí có uy tín của thế giới bằng tiếng Anh vào các năm 2019, 2023, 2024. Nội dung các bài báo nói về sự tiến hóa của rắn trong việc thích ứng với đời sống ở biển, như hệ thống mạch máu ở đầu rắn biển đã biến đổi và tăng gấp 10 lần so với rắn hổ mang trên đất liền, điều này giúp cho rắn biển lấy oxy trực tiếp trong nước thông qua mạng lưới mạch máu này chiếm đến 32% lượng oxy cung cấp cho hoạt động sống.
Với những cống hiến, đóng góp cho quá trình nghiên cứu, lưu giữ về rắn biển, Thạc sĩ Cao Văn Nguyện được đồng nghiệp gọi với biệt danh thân thương “người giữ hồn” của rắn biển.
تعليق (0)