(CLO) Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xâm nhập vào đời sống báo chí nhanh và rộng lớn đến mức người ta còn không kịp cảm nhận. Khả năng tiếp cận của báo chí với AI không còn mơ hồ và đã trở nên rõ ràng hơn nhiều. Điều quan trọng chỉ là các tòa báo cần xác định sử dụng nó như thế nào để phù hợp với quy mô và mục đích của mình.
Trí tuệ nhân tạo - một phần tất yếu của báo chíChỉ sau khoảng 2 năm, từ sự ra đời được ví như cú “Big Bang” của ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng xâm nhập sâu vào thế giới báo chí, cũng như hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống. Đến lúc này, có thể nói, AI còn đã trở thành một phần tất yếu của báo chí, đã được áp dụng một cách sâu rộng và cũng rất dễ dàng. Dấu ấn của AI thậm chí đã in đậm trong nhiều tác phẩm đoạt giải Pulitzer 2024. |
Trong hầu hết các ngành nghề, mục tiêu lớn nhất của việc sử dụng AI chính là để nó tự làm. Đó được gọi là “tự động hóa”, thậm chí có thể ở mức độ mà con người không cần làm gì cả. Tuy nhiên, cần phải nói ngay là với báo chí, sự tự động hóa này chỉ nên diễn ra một phần và ở một số công việc nhất định, đồng thời cần sự kiểm soát liên tục của con người, không thể phó mặc cho AI thực hiện hoàn toàn công việc, nếu báo chí không muốn tự hủy hoại chính mình.
Tự động hóa: Từ video đến tin bài
Dù mọi chuyện đang diễn ra theo hướng nào, thì thực tế đã cho thấy việc tự động hóa trong báo chí đang ngày càng mạnh mẽ, phần nào đã thay đổi bộ mặt của báo chí thế giới chỉ trong khoảng 2 năm qua. Thậm chí, AI đã đi sâu vào các hoạt động chuyên môn cốt lõi của các nhà báo, các tòa soạn.
Cụ thể, tự động hóa ngày càng được sử dụng để tạo ra tin tức, đặc biệt gần đây việc sản xuất video tin tức cũng đã được tự động hóa. Các tổ chức báo chí hàng đầu thế giới bao gồm USA Today, NBC, Reuters và The Economist đã chuyển sang các dịch vụ tự động hóa video do các công ty công nghệ như Wibbitz, Wochit và Synthesia cung cấp.
Nếu trước đây để xuất bản được một video tin tức đơn giản, các tòa soạn phải cần tới cả một đội ngũ từ nhà báo đến kỹ thuật viên làm việc trong một thời gian tương đối dài để cho ra một bản tin video, thì giờ họ chỉ cần một (hoặc một vài) công cụ AI và một nhân sự trong một thời gian rất ngắn; mỗi ngày thậm chí có thể sản xuất hàng chục video.
Trong khi đó, một nhà xuất bản Đức sử dụng một robot AI tên là Klara Indernach để viết hơn 5% các bài viết đã xuất bản của mình, trong khi những tòa soạn khác đã triển khai các công cụ như Midjourney hoặc Dall-E của OpenAI để tự động hóa các đồ họa.
Rõ ràng, trong thời đại này, báo chí cần phải tận dụng AI để đẩy nhanh quá trình sản xuất tin bài nói chung, video nói riêng, khi đây là lĩnh vực mà báo chí buộc phải tăng cường để cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội. Hiển nhiên, báo chí không thể chạy đua với các mạng xã hội về số lượng bài viết, cũng như về công nghệ với các công ty công nghệ lớn (Big Tech), song việc sử dụng công nghệ có thể để tối ưu hóa nguồn lực chưa bao giờ là không cần thiết.
Hiện, hầu hết các hãng tin lớn trên thế giới như New York Times, Reuters, CNN hay AP đều đang tận dụng triệt để định dạng video, khi gần như luôn kèm theo nó vào bài viết nếu có thể. Độc giả không chỉ được đọc, mà luôn được xem các video vốn giàu tính xác thực và sự giải trí mỗi khi tiếp cận nguồn tin của các tờ báo này. Như đã nói, với các hệ thống AI tiên tiến, các video này đang được xử lý rất nhanh, thậm chí “tính bằng giây”.
Mọi công đoạn đều có thể được hỗ trợ bởi AI
Tất nhiên, sự tự động hóa trong báo chí đang diễn ra rất đa dạng, mà trong đó việc sản xuất video và tin bài chỉ là những ví dụ điển hình và sâu sắc nhất. AI còn có thể giúp tự động hóa rất nhiều công đoạn khác trong quy trình của tòa soạn.
Trước tiên, các công nghệ AI có thể giúp cá nhân hóa nội dung - khiến nội dung trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả, thậm chí có thể hỗ trợ các tờ báo tìm kiếm thêm những độc giả tiềm năng để có thể kêu gọi họ đăng ký trả tiền.
Điển hình trong lĩnh vực này là tờ La Nación của Argentina đã sử dụng các thuật toán AI để xác định được độc giả tiềm năng, thúc đẩy họ đăng ký sớm hơn. Hay như tờ The Hindu của Ấn Độ đang sử dụng AI để giúp tinh chỉnh, phát triển nội dung và dịch vụ nhằm thu hút đối tượng độc giả cụ thể. Họ còn có một tờ báo kinh doanh có tên là Business Line, với khá nhiều là kế toán, vì vậy họ có thể tạo một bản tin chỉ nhắm vào đối tượng mục tiêu đó.
Sự tự động hóa cũng nằm ở việc sử dụng AI để kết nối với chính độc giả. Các trang báo của Digital News Report ở Indonesia, Hàn Quốc, Slovakia và Mexico đang đưa các chatbot được tùy chỉnh cá nhân hóa để giao lưu và trả lời thông tin trực tiếp với độc giả. Khi đọc một bài viết, nếu độc giả muốn tìm hiểu thêm về thông tin hoặc kiến thức liên quan, họ có thể hỏi trực tiếp chatbot đó, không cần tìm kiếm ở những nơi khác, qua đó sẽ giúp độc giả ở lại lâu hơn và gần gũi hơn với trang báo.
Ngoài ra, một số đài phát thanh hoặc truyền hình đang tạo ra những mô hình AI để cung cấp nội dung phù hợp cho các từng đối tượng độc giả (khi đó mỗi khán thính giả sẽ được nghe hoặc xem theo cách khác nhau). Ví dụ, Nat là một trong ba trình đọc tin tức do AI tạo ra từ Đài phát thanh Fórmula của Mexico, được sử dụng để cung cấp tin nóng dựa trên xu hướng được phân tích trên mạng xã hội và các kênh báo chí.
Trong khi đó, tờ Financial Times (FT) đã hợp tác với Utopia Analytics để đưa AI vào công việc kiểm duyệt bình luận, trước đây vốn tốn rất nhiều nguồn lực và thời gian của các tòa soạn đến nỗi nhiều cơ quan báo chí dù rất muốn, song cũng khó duy trì tính năng này. Nhưng giờ các mô hình AI tiên tiến hoàn toàn có thể đảm nhận công việc “khó nhằn” này.
Như vậy, có thể nhận thấy AI hiện đã và đang dần trở thành một nhân tố hoặc thậm chí cả một bộ phận mới để trực tiếp tham gia cùng tòa soạn trong gần như mọi hoạt động của báo chí.
Ai cũng có thể sử dụng AI!
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn được đặt ra lúc này là: Vậy liệu mọi tổ chức báo chí trên thế giới đều có khả năng sử dụng AI chứ? Thật may mắn, câu trả lời cơ bản là “Có”!
Đúng là việc sử dụng cả một hệ thống AI để tự động hóa nhiều quy trình báo chí đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp và đầu tư lớn. Song, chẳng phải chúng ta cũng đâu có muốn biến tòa soạn trở thành một dây chuyền sản xuất tin bài tự động như trong các nhà máy!?
Vả lại việc từ trước tới nay, các tòa báo đâu nhất thiết phải trang bị cho mình cả đội ngũ để tự xây dựng công cụ CMS, các phần mềm đồ họa hoặc tự lập trình trang web đâu, mà thường sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Với AI cũng vậy. Như đã nói ở trên, ngay cả một số hãng tin lớn cũng khó có thể (hoặc không nhất thiết) tự thiết lập các mô hình AI, mà thường phải sử dụng dịch vụ hoặc liên kết với các công ty công nghệ.
Điều quan trọng hơn là ngay cả khi các tờ báo nhỏ, các tờ báo địa phương không có điều kiện tài chính dồi dào, thì việc sử dụng AI để cải thiện công việc vẫn nằm trong tầm tay!
Cụ thể, mọi tòa soạn hay thậm chí mọi phóng viên, biên tập viên hiện đều có thể sử dụng những công cụ AI đơn lẻ có sẵn và giá rẻ, để phục vụ cho gần như mọi tác vụ trong báo chí, đặc biệt các phần việc mang tính máy móc (ví như bóc băng hoặc thống kê), để có thêm nhiều thời gian dành cho những hoạt động sáng tạo, hoặc ít nhất có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Như đã nói, chúng đều có giá rẻ và thậm chí miễn phí, mọi tòa soạn đều có thể chi trả. Và chắc chắn chúng sẽ giúp thúc đẩy rất nhiều tốc độ, chất lượng và sự hiệu quả trong mọi công đoạn của hoạt động báo chí.
Ví dụ, các tòa soạn có thể các công cụ Wiseone hoặc PDF.ai để tóm tắt tài liệu. Trong khi đó, các công cụ dịch thuật cũng đang có vô số, như các chatbot AI, Google Dịch hoặc DeepL. Các công cụ bóc băng cũng có giá rất rẻ mà mọi tòa soạn hay phóng viên đều có thể trang bị cho mình, như Whisper, Cookatoo, Otter.ai, Good Tape hay Pinpoint.
Ngoài ra, còn có các công cụ AI phục vụ cho việc gợi ý tiêu đề, tóm tắt hoặc đồ họa hóa dữ liệu, phân tích dữ liệu hoặc video, viết văn bản thay thế… cho đến tìm nguồn nghiên cứu cho bài báo. Điều quan trọng là các tòa soạn, các phóng viên có sẵn sàng sử dụng chúng và chủ động tìm kiếm chúng hay không!
Ngay cả các vấn đề phức tạp như báo chí điều tra hoặc chống tin giả, tin sai lệch cũng có những công cụ AI để giúp các nhà báo, các tòa soạn. Hiện có vô số công cụ AI xác minh thông tin từ cả văn bản, hình ảnh đến video hay xác minh hoạt động của robot, như Exorde, FactCheck, Factiverse… Còn với báo chí điều tra, các trình uBlock Origin giúp theo dõi nhiều trình duyệt web, RevEye giúp tìm kiếm hình ảnh ngược hay Shodan giúp lấy thông tin trang web.
Tất cả những gì đề cập ở trên chỉ là một vài gợi ý trong một thế giới các công cụ AI rộng lớn và đang phát triển từng ngày, từng giờ mà mọi nhà báo và tòa soạn đều có thể tiếp cận được để giúp ích cho công việc của mình.
Tận dụng AI của chính các Big Tech
Như từng đề cập, một trong những vấn đề của báo chí trong kỷ nguyên AI là chúng ta phải tận dụng sức mạnh của chính các Big Tech một cách sòng phẳng, bên cạnh việc chống lại việc họ chèn ép, lợi dụng hoặc xâm hại đến báo chí (như sử dụng nội dung trái phép).
Nếu báo chí sử dụng đúng cách những chatbot ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google hay Capilot của Microsoft, chúng ta cũng sẽ có những công cụ AI rất mạnh mẽ, sẽ không bị tụt hậu trong kỷ nguyên AI và việc bị chính những Big Tech này chèn ép.
Bên cạnh những tính năng cơ bản như tóm tắt hoặc dịch thông tin, ChatGPT cũng có thể đóng vai trò là công cụ phát hiện đề tài ấn tượng hoặc trợ lý trong các cuộc điều tra. “Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đặc biệt hữu ích trong việc giúp các nhà báo xử lý khối lượng lớn dữ liệu mà họ không có thời gian để phân tích thủ công. Ví dụ, nếu họ nhận được hàng nghìn hồ sơ công khai, LLM giúp họ dễ dàng đặt các câu hỏi phức tạp, có mục tiêu về dữ liệu và khám phá thông tin chi tiết nhanh hơn các phương pháp truyền thống”, theo Subbu Vincent, Giám đốc Đạo đức báo chí và Truyền thông tại Đại học Santa Clara (Mỹ), lưu ý.
Trong khi đó, Facebook, TikTok và đặc biệt Google cũng đang tung ra các sản phẩm, công cụ AI rất tiên tiến và chuyên sâu dành cho mọi đối tượng. Nếu các tòa soạn, các nhà báo nghiên cứu và áp dụng chúng đúng cách, chắc chắn sẽ cải thiện được nhiều công việc của mình. Ví dụ, TikTok, Facebok... có các tính năng tự tạo phụ đề hoặc hiệu ứng cho video. Trong khi đó, Google có cả kho công cụ AI có thể được sử dụng cho báo chí, từ dịch thuật, tóm tắt văn bản, bóc băng… cho đến ghi chép hội nghị, hội thảo.
Cuối cùng, như đã nhiều lần nhấn mạnh, việc sử dụng AI với báo chí vẫn sẽ chỉ mang ý nghĩa công cụ giúp cải thiện chất lượng và sự hiệu quả. Yếu tố con người, tính sáng tạo và đạo đức báo chí vẫn sẽ đóng vai trò cốt lõi làm nên thành công của mọi tờ báo. Thiếu những yếu tố này, dù chúng ta có sử dụng AI tốt và nhiều đến đâu, thì cũng sẽ tự đánh mất mình và có thể tự hủy hoại chính mình!
Từ 9 phút xuống còn 90 giây Tập đoàn truyền thông Reach, nhà xuất bản tin tức lớn nhất Vương quốc Anh khi tiếp cận 69% người dùng trực tuyến của đất nước này, đã sử dụng AI ở mức độ rất sâu rộng, vừa giúp đẩy mạnh hiệu suất tin bài vừa giảm được nhiều nhân sự - điều rất cần thiết trong bối cảnh nguồn thu báo chí đang ngày càng eo hẹp và bấp bênh. Với các mô hình AI của mình, tốc độ xuất tin nóng của Reach đã được cải thiện đáng kể, giảm từ 9 phút xuống chỉ còn 90 giây! Nhờ vậy, Reach đã cho xuất bản tới khoảng 4.500 bài viết mỗi ngày, qua đó tăng doanh thu quảng cáo mạnh mẽ. AI ngày càng quan trọng với báo chí Theo Báo cáo về Báo chí AI mới nhất do Trường kinh tế và khoa học chính trị London (LSE), Google News Initiative và Viện báo chí Polis cùng thực hiện và cho công bố vào năm 2023, phần lớn các tòa soạn trên thế giới đều coi AI đã trở thành một yếu tố quan trọng và thậm chí không thể thiếu trong hoạt động báo chí. Dưới đây là những kết quả khảo sát đáng lưu ý của báo cáo này. |
Trần Hòa
Nguồn: https://www.congluan.vn/ap-dung-ai-vao-bao-chi-ai-cung-co-the-post330837.html
Bình luận (0)