Những tô mì ấm lòng ngày mưa
Chiều thứ 7, TPHCM đổ cơn mưa nặng hạt. Các thành viên trong nhóm “Mì gõ 0 đồng” của anh Liêu Hưng tỏ vẻ lo lắng, sợ sẽ không kịp chuẩn bị những tô mì ấm nóng cho người lao động.
Một lát sau, thấy trời vừa ngớt mưa, cả nhóm không ai “lệnh” ai câu nào, tất bật mỗi người một nhiệm vụ, từ khâu nấu nước lèo, xếp bàn ghế đến chuẩn bị sẵn các tô mì.
17h30, các thành viên thở phào vì kịp hoàn thành xong mọi thứ. Đặt tấm biển “Mì gõ 0 đồng” xuống đường, anh Liêu Hưng nở nụ cười thật tươi, thông báo: “Mời bà con vào ăn mì nha!”.
Sau câu nói của anh, người lao động tiến đến xếp hàng dài ở lối đi. Một số người tỏ vẻ ngại ngùng, đứng lóng ngóng ở quầy bếp liền được các thành viên hướng dẫn vào bàn ngồi. Chẳng mấy chốc, những chiếc bàn ghế nhựa đều đã kín người.
Các tình nguyện viên bưng thức ăn đến tận tay thực khách, tránh cảnh lộn xộn, chen lấn. Những ai có nhu cầu mang về cũng sẽ được đứng chờ ở khu vực riêng. Ngoài việc ngồi ăn những tô mì ấm nóng, thực khách còn được xem các tiết mục văn nghệ trình diễn bởi các khách mời, mà nhóm tình nguyện mời đến.
Mỗi tuần, nhóm tổ chức tại một nơi khác nhau. Có hôm, “Mì gõ 0 đồng” đến các khu nhà trọ hoặc khu công nghiệp, hôm thì đến các công viên, bãi đất trống để tổ chức.
Húp vội tô mì trước khi bắt đầu hành trình mưu sinh về đêm, ông Minh (47 tuổi), làm nghề bán vé số, cho hay ông cảm thấy rất vui khi được ăn tô mì thơm phức.
“Tôi đi bán cả buổi cũng chỉ được vài chục nghìn đồng, bình thường chỉ ăn qua loa, không dám mua thức ăn ngon. Thỉnh thoảng, có người phát cơm từ thiện thì tôi đến xin, nhưng không phải lúc nào cũng có. May là có mô hình mì 0 đồng này. Cứ cuối tuần là tôi đến đây ăn, bản thân thấy vui lắm”, ông Minh nói.
“Bán” mì đổi nụ cười hạnh phúc
Anh Liêu Hưng cho biết “quán” đã hoạt động hơn 3 tháng qua. Trong một lần ngồi cà phê cùng nhau, các thành viên đã nảy ra ý tưởng xây dựng một mô hình mì 0 đồng để phục vụ người lao động, lan tỏa điều tích cực trong cuộc sống.
Vì thế, cả nhóm quyết định “bán” mì gõ 0 đồng đổi lấy nụ cười hạnh phúc của thực khách. Thời gian đầu, có 8 thành viên tham gia nên các khâu chuẩn bị dường như không kịp tiến độ, chưa được chu đáo. Vậy nên, nhóm liền liên hệ đến các tổ chức đoàn, nhóm thiện nguyện trên địa bàn cùng chung tay hỗ trợ.
Giờ đây, tình nguyện viên hỗ trợ cho “quán” ngày một đông hơn, đến nỗi họ chẳng thể nhớ hết tên nhau.
Cứ mỗi thứ 7 hằng tuần, nhóm lại phục vụ 500-700 phần mì cho thực khách. Kinh phí cho mỗi buổi sẽ dao động từ 3 đến 6 triệu đồng, do các thành viên trong nhóm và mạnh thường quân đóng góp.
“Lúc đầu, nhóm không nhận tiền mặt từ mạnh thường quân mà chỉ nhận thực phẩm. Nhưng về sau, càng có nhiều mạnh thường quân ở xa muốn đóng góp, nhóm mới nhận tiền rồi quy đổi ra thực phẩm. Hầu như lúc nào số tiền cũng bị… âm, nhóm đều sẵn sàng trích tiền túi để nấu thêm thức ăn cho bà con”, anh Hưng chia sẻ.
Trong số các thành viên, có người làm tài xế xe ôm công nghệ, người làm đạo diễn và nhiều nghề khác nhau. Thế nhưng, cứ cuối tuần, họ lại gác hết mọi thứ để cùng chung tay làm công việc ý nghĩa.
Anh T., tài xế xe công nghệ, cho hay dù phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày, anh vẫn dành thời gian đến phụ “quán”.
“Làm việc này, chúng tôi cảm nhận bản thân đang nhận lại chứ không phải cho đi. Chúng tôi được nhận nụ cười hạnh phúc, lời cảm ơn, cái nắm tay của bà con sau khi ăn những tô mì nóng hổi. Từ đó, mọi áp lực công việc dường như tan biến, khiến cho tuổi trẻ của bản thân có ý nghĩa hơn”, anh T., bộc bạch.
Theo lãnh đạo phường Thạnh Lộc (quận 12), mô hình “Mì gõ 0 đồng” mang nhiều ý nghĩa tích cực cho xã hội. Để lan tỏa việc làm đẹp này, địa phương cũng hỗ trợ nhóm thiện nguyện trong việc tìm địa điểm, kết nối hệ thống điện, nước, điều phối tình nguyện viên đến phụ giúp,…
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/anh-xe-om-dao-dien-gac-viec-di-nau-mi-0-dong-cho-nguoi-dung-20240803213212667.htm