Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ không chỉ làm Ukraine lo lắng, mà nhiều nước châu Âu cũng đang tìm cách ứng phó tác động của điều này tới viện trợ quân sự cho Kiev.
Nguy cơ ông Donald Trump cắt viện trợ cho Ukraine trong khi cuộc xung đột với Nga đang hiện hữu. (Nguồn: Youtube) |
Trong suốt cuộc vận động tranh cử cho đến khi đã đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn quả quyết rằng ông có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine trong "một ngày", thậm chí có thể là trước khi nhậm chức. Ông từng chỉ trích sự ủng hộ quân sự quá nhiều của chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho Kiev.
Nhiều khả năng, một phần của thỏa thuận sẽ là yêu cầu Kiev chấp nhận mất một số vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát, đồng thời có thể cắt giảm sự ủng hộ đối với Ukraine.
Trước nguy cơ này, tờ The Telegraph tiết lộ, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang lên kế hoạch vận động Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Các nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết, họ đang nỗ lực tận dụng thời gian còn lại trước khi chính quyền mới của Mỹ do ông Donald Trump lãnh đạo nhậm chức.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể gây căng thẳng trong quan hệ giữa Thủ tướng Anh và tân Tổng thống Mỹ, khi ông Trump có thể xem đây là nỗ lực phá hoại chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp dự kiến gặp nhau tại Paris, nhân dịp lễ kỷ niệm ký kết Hiệp định đình chiến Compiegne - văn kiện chấm dứt Thế chiến I năm 1918. Chuyến thăm đánh dấu lần đầu tiên một Thủ tướng Anh đến thủ đô Pháp kể từ năm 1944.
Trong khi đó, tờ The Times đưa tin, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đang tích cực vận động thành lập liên minh với Anh và Pháp nhằm ngăn chặn khả năng có thỏa thuận riêng giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin về Ukraine.
Ông Tusk dự kiến hội đàm với Thủ tướng Starmer, Tổng thống Macron cùng Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte để thảo luận về tác động của kết quả bầu cử Mỹ đối với viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan tuyên bố: "Bối cảnh địa chính trị hiện tại là một thách thức nghiêm trọng, đặc biệt khi có khả năng xuất hiện thỏa thuận chấm dứt xung đột giữa ông Putin và tổng thống đắc cử Mỹ". Ông nhấn mạnh việc Ukraine suy yếu hoặc đầu hàng là "mối đe dọa cơ bản" đối với Ba Lan.
Gần đây, ông Donald Trump Jr., con trai của Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã đăng tải một hình ảnh trên Instagram ám chỉ việc cha mình sẽ cắt viện trợ cho Ukraine sau 38 ngày nữa.
Về phía chính quyền của Tổng thống Joe Biden, hôm 10/11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Nhà Trắng sẽ chi 6 tỷ USD còn lại trong cam kết tài trợ cho Ukraine trước lễ nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2025.
Phát biểu trên chương trình "Face the Nation" của kênh truyền hình CBS, ông Sullivan khẳng định, mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Biden trong những tháng còn lại sẽ là "đưa Ukraine vào thế mạnh nhất có thể trên mặt trận để cuối cùng họ có vị thế mạnh nhất có thể tại bàn đàm phán".
Ở Ukraine, mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, sức mạnh quân sự phải đi đôi với ngoại giao để kết thúc xung đột và đây là cách thức duy nhất để đảm bảo rằng một cuộc chiến như vậy không tái diễn trong tương lai.
Trong bài phát biểu qua video, ông Zelensky nói rõ: "Chúng tôi hiểu rất rõ rằng ngoại giao không có triển vọng nếu không có sức mạnh. Nhưng nếu không hiểu rõ mục tiêu ngoại giao, vũ khí đơn thuần sẽ không giải quyết được vấn đề. Đó là lý do tại sao sức mạnh quân sự và ngoại giao phải song hành cùng nhau".
Nguồn: https://baoquocte.vn/xung-dot-o-ukraine-anh-phap-va-ba-lan-tim-cach-ngang-duong-ong-trump-tong-thong-zelensky-dong-dac-tuyen-bo-293431.html
Bình luận (0)