Trên thực tế, đường xuất hiện trong rất nhiều thực phẩm tự nhiên, từ trái cây, rau củ, ngũ cốc đến sữa. Tuy nhiên, các loại đường tự nhiên này được cơ thể tiêu hóa chậm nên không gây tăng đường huyết nhiều và cung cấp lượng đường glucose ổn định cho tế bào, theo tờ The Sun (Anh).
Trong khi đó, nhiều loại thực phẩm chúng ta nạp hằng ngày như bánh ngọt, kẹo hay nước ngọt có gas lại chứa đường tinh luyện. Loại đường này tiêu hóa nhanh nên dễ làm tăng đường huyết. Về lâu dài, chế độ ăn nhiều đường sẽ tăng nguy cơ tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, tổn hại gan và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Không những vậy, bộ não sẽ chịu những tác động xấu.
Ăn nhiều đường trong thời gian dài sẽ khiến đường huyết tăng cao, gây viêm nhiễm kéo dài, tổn thương mạch máu và kháng insulin. Tất cả những điều này sẽ tác động tiêu cực đến não bộ và làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là tên gọi chung để chỉ các bệnh ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và đưa ra quyết định. Các bệnh sa sút trí tuệ điển hình là Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch, sa sút trí tuệ hỗn hợp và sa sút trí tuệ thể Lewy.
Ngoài ra, lượng đường trong máu quá cao sẽ làm suy giảm nhận thức và trí nhớ, dẫn đến khó tập trung và học tập. Điều này là do đường có thể ức chế các thụ thể thần kinh chịu trách nhiệm ghi nhớ trong não.
Để tránh những tác hại này, điều đầu tiên cần làm là hạn chế các món có nhiều đường, đặc biệt là những món ăn vặt. Đồng thời, bổ sung protein, chất xơ và chất béo lành mạnh sẽ giúp giảm lượng đường nạp vào cơ thể,
Các món nhiều đường sẽ đẩy đường huyết lên cao. Tuy nhiên, đường huyết sau đó sẽ giảm nhanh và gây đói, làm thèm ăn món có nhiều đường bột. Protein và chất xơ lại giúp duy trì cảm giác no lâu, giảm cơn đói và nhờ đó giảm cảm giác thèm ăn.
Ăn đủ chất béo lành mạnh cũng rất quan trọng với sức khỏe. Nếu các món như thịt mỡ, đồ chiên xào chứa chất béo có hại thì đậu phộng, trái bơ và sữa chua lại chứa chất béo lành mạnh giúp giảm cơn đói, giảm cảm giác thèm ăn và ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch, theo The Sun.