Một trong những dưỡng chất có lợi nhất trong nho là polyphenol. Đây là chất chống ô xy hóa có khả năng kháng viêm và giảm cholesterol trong máu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Chính lợi ích giúp kiểm soát cholesterol sẽ giúp ngăn ngừa tích tụ các mảng xơ vữa trong thành động mạch, từ đó giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch và các vấn đề về tim. Một nghiên cứu trên chuyên san Journal of Clinical Medicine đã phát hiện lợi ích giúp giảm cholesterol của polyphenol trong nho. Nhóm nghiên cứu nhận thấy polyphenol có thể duy trì cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), hay còn gọi là cholesterol “xấu”, ở mức lành mạnh.
Một thành phần dinh dưỡng khác trong nho có thể ngăn tăng cholesterol là chất xơ hòa tan. Loại chất xơ hòa tan trong nho có tác dụng phá vỡ cholesterol. Do đó, thường xuyên ăn chất xơ hòa tan tự nhiên có trong nho hay các loại thực vật khác có thể giúp giảm tổng lượng cholesterol trong cơ thể.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san PharmaNutrition phát hiện ăn nho có thể giúp giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp và giảm mức cholesterol trong máu. Một phần lợi ích này là nhờ hàm lượng chất xơ trong nho.
Dù nho không phải là loại trái cây có hàm lượng chất xơ cao nhưng loại chất xơ trong nho rất cần thiết cho sức khỏe, giúp kiểm soát nồng độ cholesterol. Một người trưởng thành được khuyến cáo cần tiêu thụ từ 25 đến 30 gram mỗi ngày. Để nạp đủ chất xơ, ngoài nho thì mọi người cần ăn thêm các loại thực vật khác như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt hoặc các loại đậu.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là dù nho được xem là loại trái cây có lợi cho sức khỏe tim mạch nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là nho chín có hàm lượng đường cao.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 1 chén nho chứa gần 24 gram đường. Trong khi đó, lượng đường khuyến cáo một một người trưởng thành ăn mỗi ngày chỉ là 25 gram với phụ nữ và 36 gram với nam giới. Do đó, để tận dụng tối đa lợi ích của nho, mọi người chỉ nên ăn ở mức vừa phải, theo Healthline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/an-nho-co-tac-dung-bat-ngo-den-cholesterol-trong-mau-185240825204256063.htm