Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và ủng hộ lập trường của ASEAN trong quá trình xác định các quyền được hưởng dựa trên công ước này.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, ngày 14/7 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: cgtn) |
Phát biểu trên được đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan tại thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 14/7.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bày tỏ quan ngại về những hoạt động gây tổn hại tới hòa bình và ổn định, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ Bộ quy tắc ứng xử nào của các bên ở Biển Đông cũng không được phép làm phương hại đến quyền và lợi ích của bên thứ ba.
Ngoại trưởng Jaishankar cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và tầm nhìn rộng hơn của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Jaishankar đã gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Mục đích của cuộc gặp là thảo luận các vấn đề nổi cộm liên quan đến hòa bình ở khu vực biên giới hai nước.
Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Jaishankar chia sẻ thông tin về cuộc gặp. Ngoài các vấn đề về biên giới, hai bên đề cập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, chương trình nghị sự của ARF, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo AFP, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 14/7 bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Jakarta, ông Vương Nghị khẳng định: “Lợi ích chung của Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng có sức nặng hơn so với bất đồng giữa hai nước. Hai bên nên hỗ trợ lẫn nhau, thay vì… nghi ngờ lẫn nhau”.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc bày tỏ: “Hy vọng phía Ấn Độ sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc và tìm ra giải pháp cho vấn đề biên giới mà cả hai bên đều chấp nhận được”.