Ấn Độ là thị trường mới nổi được các nhà đầu tư ưa chuộng nhất, với 2/5 trong số 100 quỹ tham gia khảo sát của Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) lựa chọn.
Ấn Độ sẽ sớm hưởng lợi từ các dòng chảy đầu tư thụ động. (Nguồn: Getty) |
Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của chưa tới 1/4 các quỹ, tương đương với Brazil.
Điều đó có nghĩa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nguy cơ mất nguồn vốn từ một số nhà đầu tư quyền lực nhất trên thế giới, khi các quỹ tham gia khảo sát có nguồn lực tài chính tổng cộng 25.900 tỷ USD.
Gần 3/4 các quỹ cho biết, việc trì hoãn đầu tư tại Trung Quốc là do các quy định, trong khi một tỷ lệ tương tự nói đến các yếu tố địa chính trị.
Vào đầu năm 2023, các nhà kinh tế hy vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Bắc Kinh, khi các nhà chức trách nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản đáng ngại hơn và tăng trưởng kinh tế gây thất vọng.
Ông Craig Thorburn, Giám đốc Future Fund, quỹ quản lý tài sản của Australia nhận định, quỹ này đã giảm đầu tư tại đất nước tỷ dân, do nước này tăng cường quản lý các lĩnh vực thị trường và những thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế của nước này.
Giám đốc quản lý của OMFIF Nikhil Sanghani cho rằng, các quỹ lớn và dài hạn sẽ không rút lại các khoản đầu tư chỉ sau một đêm, nhưng có thể giảm đầu tư mới tại Trung Quốc, chú trọng vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ nhiều hơn.
“Ấn Độ sẽ sớm hưởng lợi từ các dòng chảy đầu tư thụ động hơn, khi trái phiếu chính phủ của nước này sẽ được bổ sung vào chỉ số trái phiếu của các thị trường mới nổi của JP Morgan từ tháng 6/2024, dẫn đến việc tự động phân bổ lại dòng tiền mặt quốc tế vào nước này nhiều hơn.
Kinh tế Ấn Độ vẫn mạnh, khiến nước này tương đối hấp dẫn hơn đối với dòng tiền quốc tế”, ông Nikhil Sanghani khẳng định.