Cao ủy Ấn Độ tại Nam Phi Prabhat Kumar cho biết, Ấn Độ mong muốn chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về công nghệ kỹ thuật số với các nước Nam bán cầu để cùng thực hiện nhiều dự án. Giới quan sát cho rằng đây có thể là một bước đi nữa cho thấy Ấn Độ muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động.
Từ công nghệ kỹ thuật số…
Theo Cao ủy Kumar, nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh và hiện là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong 5 năm tới, Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP vượt 5 ngàn tỷ USD.
Ông Kumar nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng thế giới là một gia đình và chúng tôi phải chia sẻ với thế giới những gì chúng tôi có. Đó không phải là khẩu hiệu đơn thuần. Trước đây, chúng tôi đã tuân theo triết lý này và sẽ theo đuổi nó trong tương lai”. Ông dẫn chứng về việc Ấn Độ hỗ trợ vaccine, thuốc men và thiết bị y tế cho hơn 150 quốc gia thời kỳ dịch Covid-19.
Nhà ngoại giao Ấn Độ dẫn báo cáo của Hiệp hội các công ty dịch vụ và phần mềm quốc gia cho rằng các kế hoạch cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của Ấn Độ có khả năng đưa nước này trở thành nền kinh tế trị giá 8 ngàn tỷ USD vào năm 2030. Ấn Độ cũng đã có tiếng vang thông qua các chương trình như nhận dạng ID duy nhất, ngân hàng kỹ thuật số, giao diện thanh toán hợp nhất, phân phối vaccine kỹ thuật số và các lợi ích chuyển giao trực tiếp.
Ngoài ra, có các tổ chức toàn cầu được thành lập cùng với các sáng kiến của Ấn Độ như Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế, Liên minh Nhiên liệu sinh học toàn cầu hoặc Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai “để giải quyết các vấn đề về an ninh năng lượng và khí hậu”.
… đến nhân tố chủ chốt
Giáo sư Harsh V. Pant, Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu quan sát có trụ sở ở New Delhi, nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một thời điểm độc nhất vô nhị, một thời điểm phân cực tối đa. Tất cả những điều này đã đặt Ấn Độ vào trung tâm của rất nhiều cuộc đối thoại”. Vậy Ấn Độ liệu có đóng vai trò tác nhân kiến tạo hòa bình, trung gian hòa giải giữa Bắc và Nam bán cầu, thậm chí giữa phương Đông và phương Tây?
Nhà triết học Shivshankar Menon, chuyên gia về Trung Quốc và là cựu Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh, nhận định: “Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội của những thay đổi toàn cầu và tận dụng sự biến động của thế giới. Nếu nói thời của Ấn Độ đã đến thì đó chỉ là một câu sáo rỗng. Tôi muốn nói Ấn Độ được hưởng lợi từ thực tế, khi phương Tây đối đầu với Nga và trừng phạt nước này, nhiều quốc gia trên thế giới đã tỏ thái độ không hài lòng với những quyết định này. Họ không muốn phải lựa chọn giữa phương Tây và Moscow, hoặc giữa Washington và Bắc Kinh. Họ đang tìm kiếm một lựa chọn thứ ba. Và thế giới này đang dành một chỗ cho Ấn Độ”.
Để tận dụng tốt nhất “nền tảng” tượng trưng cho sức mạnh ngoại giao đang lên này của Ấn Độ, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar đã đưa ra một khái niệm ban đầu: “Đa liên kết”. Một khái niệm có thể được hiểu là một phương thức được thực hiện nhằm mục đích phục vụ tốt nhất các lợi ích của quốc gia. Việc từ chối chọn phe – vốn là lập trường nhất quán của Ấn Độ – có thể được lấy làm lý do để đối thoại với tất cả và đây là điều mới mẻ.
MINH CHÂU tổng hợp