Một số quan niệm cho rằng isoflavone trong đậu nành sẽ làm giảm sự nam tính của nam giới, đồng thời ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết của phụ nữ và gây ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng về bệnh ung thư cho rằng điều này không đúng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Trên thực tế, các chất genistein và daidzein trong nhóm isoflavone có đặc tính chống ung thư. Một nghiên cứu trên chuyên san BJU International phát hiện các sản phẩm làm từ đậu nành có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở những nam giới có nguy cơ cao.
Chưa dừng lại ở đó, đậu nành còn có thể được dùng để hỗ trợ liệu pháp xạ trị khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu trên chuyên san Nutrition and Cancer phát hiện những bệnh nhân điều trị ung thư tuyến tiền liệt uống 200 mg isoflavone đậu nành mỗi ngày liên tục trong 6 tháng ít chịu tác dụng phụ của xạ trị hơn. Cụ thể, họ ít bị rò rỉ nước tiểu hơn, ít tiêu chảy và giảm đau bụng hơn.
Các chuyên gia giải thích vì isoflavone hoạt động giống như estrogen nên chúng sẽ liên kết với thụ thể estrogen trong mô tuyến tiền liệt. Điều này làm giảm sự phát triển của ung thư cũng như giảm các protein giúp ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy protein đậu nành có thể cải thiện mức cholesterol trong máu.
Có nhiều cách để chúng ta đưa đậu nành vào chế độ ăn hằng ngày. Tàu hũ, sữa đậu nành là những món phổ biến nhất làm từ đậu nành. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tận dụng lợi ích dinh dưỡng của đậu nành khi ăn các loại bánh làm từ đậu hay dùng chất bổ sung.
Nếu nam giới vẫn e ngại về đậu nành thì có nhiều cách khác giúp bảo vệ tuyến tiền liệt và ngăn ngừa ung thư. A xít béo omega-3 có tác dụng cải thiện miễn dịch, giảm viêm và ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Những món giàu a xít béo omega-3 là cá hồi, cá ngừ, cá mòi. Tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và nhiều loại ung thư khác.