Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: 5 loại trái cây tốt cho thận; Người hay đi tiểu đêm cần chú ý bệnh gì?; Tập thể dục quá sức gây hại như thế nào?…
Lợi ích sức khỏe khi ăn đậu đen
Đậu đen là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến trên thế giới. Bà Shruti K Bhardwaj, chuyên gia dinh dưỡng tại Ấn Độ, cho biết đậu đen giàu dinh dưỡng, dồi dào chất xơ, protein, các loại vitamin và khoáng chất.
Nhờ đó, đậu đen có thể giúp kiểm soát cân nặng, duy trì sức khỏe đường ruột và điều chỉnh đường huyết.
Tốt cho sức khỏe đường ruột. Với hàm lượng chất xơ cao, đậu đen giúp ngăn ngừa táo bón và điều hòa nhu động ruột. Chất xơ cũng giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, hỗ trợ việc duy trì cân nặng khỏe mạnh. Theo USDA, 100 gram đậu đen nấu chín chứa tới 8,7 gram chất xơ.
Cải thiện sức khỏe tim mạch. Theo bà Bhardwaj, đậu đen giúp giảm cholesterol, góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ, kali và folate trong đậu đen cũng giúp duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh.
Ổn định đường huyết. Các loại carbohydrate phức hợp trong đậu đen được tiêu hóa chậm, giúp ngăn ngừa đường huyết tăng đột ngột. Do đó, đậu đen là thực phẩm phù hợp cho người bị tiểu đường hoặc những người đang muốn kiểm soát đường huyết.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients vào năm 2017, đậu đen có thể kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường loại 2. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 20.3.
5 loại trái cây tốt cho thận
Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.
Chế độ ăn uống tốt cho thận là rất cần thiết để ngăn ngừa tổn thương thận. Những người mắc bệnh thận nên theo dõi chế độ ăn uống của mình và đảm bảo ít natri và kali.
Tiến sĩ Dimple Jangda, chuyên gia y học cổ truyền nổi tiếng của Ấn Độ, cho hay những thực phẩm có hàm lượng kali cao như mơ, chuối, dưa đỏ, chà là cần phải tránh xa. Nhiều loại trái cây sấy khô cũng chứa nhiều kali và carbohydrate, có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Các loại trái cây tốt nhất cho sức khỏe thận gồm:
Dâu tây. Quả mọng như dâu tây rất tốt cho thận vì chúng chứa ít natri và phốt pho. Chúng có đặc tính làm se giúp thắt chặt các mô và giảm khả năng giữ nước. Chúng còn là nguồn cung cấp vitamin C, mangan, folate và chất chống oxy hóa dồi dào.
Táo. Táo chứa ít kali và phốt pho nên rất tốt cho sức khỏe và an toàn cho thận. Có thể ăn táo sống hoặc thậm chí táo hầm nếu bị táo bón. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin C và chất xơ tốt.
Quả thơm. Thơm có hàm lượng phốt pho, kali và natri thấp hơn cam, chuối hoặc kiwi. Nó còn là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin A dồi dào. Đồng thời, thơm cũng chứa bromelain, một loại enzyme có thể giúp giảm chứng viêm và làm tan sỏi thận. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 20.3.
Người hay đi tiểu đêm cần chú ý bệnh gì?
Tiểu đêm là tình trạng khiến người mắc thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm. Hệ quả là làm gián đoạn giấc ngủ, thậm chí khó ngủ lại. Tiểu đêm kéo dài sẽ tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Tiểu đêm không phải là tình trạng hiếm gặp. Nhiều trường hợp thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đi tiểu là do các thói quen như uống nhiều nước, rượu bia, trà, cà phê gần giờ đi ngủ. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng gây tiểu đêm.
Nếu thường xuyên tiểu vào ban đêm có thể là dấu hiệu của những bệnh sau:
Nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là vấn đề sức khỏe khá phổ biến do vi khuẩn gây ra. Nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ có các triệu chứng đặc trưng như tiểu buốt, nước tiểu đục và đi tiểu thường xuyên. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng gây tiểu đêm. Nguyên nhân là do bệnh ảnh hưởng và làm bàng quang trở nên nhạy cảm hơn, từ đó kích thích cảm giác buồn tiểu.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt. Các triệu chứng thường gặp của hội chứng bàng quang tăng hoạt là đi tiểu nhiều quá mức, tiểu đêm, cảm giác mắc tiểu đến một cách đột ngột và một số triệu chứng khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ chấn thương vùng bụng, nhiễm trùng và vấn đề thần kinh.
Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay liệu pháp hành vi. Nếu xuất hiện dấu hiệu của bàng quang tăng hoạt, người mắc cần sớm đến gặp bác sĩ vì bệnh có thể tác động đáng kể đến giấc ngủ và cuộc sống hằng ngày. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!