Theo chia sẻ của TS.BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia trên Báo Lao động, đa số người Việt đều có thói quen ăn nhiều cơm, ăn cơm giúp no lâu và có đủ sức khỏe để hoạt động trong cả ngày.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không biết rằng, trong cơm chứa nhiều đường. Do đó, ăn nhiều cơm có thể trở thành nguyên nhân khiến lượng đường trong máu cao. Đây còn là nguyên nhân chủ yếu gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống.
Theo thông tin từ Viện An toàn thực phẩm, mặc dù cơm trắng là một trong những thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng song việc ăn nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ăn cơm trắng có hại cho sức khỏe?
Dưới đây là một số tác hại của việc ăn quá nhiều cơm trắng.
Dễ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa
Một nghiên cứu về tác hại khi ăn nhiều cơm trắng tại Hàn Quốc chỉ ra rằng, những người thường xuyên sử dụng cơm trắng trong một thời gian dài có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa cao hơn so với nhóm đối tượng khác. Ăn nhiều cơm trắng còn có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì hay rối loạn lipid máu.
Gây tăng cân, béo phì
Sử dụng quá nhiều cơm trắng cũng khiến bạn dư thừa nguồn năng lượng có thể gây nên chứng béo phì.
Dễ mắc bệnh tiểu đường
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng nhiều cơm trắng tại các quốc gia châu Á chính là một trong những thói quen xấu gây nên bệnh tiểu đường.
Tác hại khi ăn nhiều cơm trắng đầu tiên có thể kể tới là sản sinh ra đường glucose. Nếu bạn là người ít vận động thì lượng đường glucose này sẽ bị tích tụ gây nên bệnh lý đái tháo đường.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế công cộng Harvard nghiên cứu trên 350.000 người trong 20 năm để đưa ra kết luận, sử dụng một bát cơm trắng mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường lên 11%. Đây cũng là lý do vì sao những nước châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc đái tháo đường cao hơn các nước châu Âu.
Dễ mệt mỏi, uể oải
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải hay làm việc chậm chạp hơn thì có thể do bạn đang ăn quá nhiều cơm trắng trong bữa ăn trước đó.
Khi bạn ăn quá nhiều cơm trắng, một phần số cơm này sẽ được chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể, phần năng lượng dư thừa còn lại sẽ bị tích tụ tại các nhóm cơ. Nguồn năng lượng lớn tích tụ vào các nhóm cơ khiến chung bị dư thừa năng lượng, giảm vận động.
Khiến bạn có cảm giác đói giả
Đói giả là tình trạng bạn ăn no nhưng vẫn muốn ăn tiếp, đây là cảm giác xuất hiện khi bạn ăn quá nhiều tinh bột trong một ngày, điều này khiến cân nặng của bạn tăng nhanh đồng thời bạn có nguy cơ cao mắc một số bệnh chuyển hóa như tiểu đường, cao huyết áp.
Rối loạn tâm lý, thường xuyên cáu gắt
Khi bạn ăn quá nhiều cơm cơ thể bạn sẽ phải tiết ra nhiều hormone insulin hơn để ổn định được đường huyết trong máu. Hormone insulin quá cao trong máu sẽ khiến bạn dễ cáu gắt, thậm chí là không kiểm soát được hành động của mình, một số trường hợp nặng hơn có thể gây rối loạn tâm lý nghiêm trọng.
Luôn có cảm giác thèm ăn
Cho dù nguồn năng lượng do cơm trắng cung cấp cho cơ thể dư thừa, nhưng nếu bạn ăn không đầy đủ các nhóm chất có thể khiến bạn luôn có cảm giác thèm ăn, điều này khiến bạn không kiểm soát được cân nặng của mình.