Kinh tế vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu đối với cử tri Mỹ – cả hai ứng viên cho vị trí chủ nhân Nhà Trắng hiểu rõ và đều đang nỗ lực khẳng định bản thân là lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ.
Chính sách kinh tế của ứng cử viên Tổng thống nào được cử tri Mỹ đón nhận? (Nguồn: Shutterstock) |
Giới truyền thông quốc tế nhìn nhận, nếu tầm nhìn kinh tế của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump hoàn toàn khác biệt, thì sự tương phản giữa ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris “gần như chói mắt”.
Dù bị ảnh hưởng bởi nhiều chính sách hiện tại, nhưng bà Harris đang cố gắng thiết lập và nhấn mạnh một số kế hoạch kinh tế của riêng mình, trong đó thể hiện sự sẵn sàng thoát khỏi cách giải quyết của chính quyền đương nhiệm trong một số vấn đề then chốt. Trong khi đó, ông Trump đang nỗ lực gấp đôi so với chương trình nghị sự nhiệm kỳ đầu tiên của chỉnh mình.
“Sự phá cách” của bà Harris
Kể từ khi bà Harris thay thế Tổng thống Biden trở thành ứng cử viên đảng Dân chủ, bà đã công bố các đề xuất “đi xa hơn” chính phủ đương nhiệm trong việc hỗ trợ người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình bằng cách làm cho nhà ở trở nên hợp túi tiền hơn, giảm chi phí chăm sóc trẻ em, hạn chế tình trạng tăng giá và giảm chi phí thuốc theo toa, cùng nhiều biện pháp khác.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, nhận định, “bà ấy đang nỗ lực hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, doanh nghiệp nhỏ thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn rồi “trả giá” bằng cách tăng thuế đối với người giàu và các tập đoàn”.
Mới đây, Phó Tổng thống Harris đã chính thức đưa một loạt quan điểm chính sách mới lên trang web chiến dịch tranh cử, trong đó, nổi bật là các đề xuất như cung cấp 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu, khoản tín dụng 6.000 USD cho trẻ sơ sinh, giảm thuế 50.000 USD cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập (tăng mạnh từ mức 5.000 USD như hiện nay), hay công bố rõ mức thuế 28% đối với người có thu nhập hơn 1 triệu USD – thấp hơn mức 39,6% do Tổng thống Biden đề xuất cho kế hoạch ngân sách năm 2025.
Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế cho rằng, hầu hết các đề xuất đều ít có cơ hội được Quốc hội vốn còn chia rẽ chấp thuận, dù một số ý tưởng về nhà ở và chăm sóc trẻ em có thể được đồng tình. Ngoài ra, theo phân tích của Moody’s và Goldman, cũng có những đề xuất cần phải tính toán lại, chẳng hạn khoản thanh toán 25.000 USD cho người mua nhà có thể đi kèm với một nhược điểm lớn vì sẽ đẩy doanh số bán nhà và nâng giá bất động sản…
Trước mắt, trong cuộc đua với ông Trump, một số lập trường của Phó Tổng thống được đánh giá là “phá cách”- dường như thách thức nhận thức của gần một nửa số cử tri tiềm năng, khi bà thể hiện sự sẵn sàng đi theo hướng trung dung, chẳng hạn, việc từ bỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm khai thác khí đá phiến và ủng hộ mức thuế thu nhập vốn thấp hơn của chính quyền đương nhiệm đối với những người Mỹ rất giàu có.
Sự bền bỉ của ông Trump
Tờ Politico đánh giá, sau “tuần trăng mật chính trị” ngọt ngào từ khi nhận chuyển giao vai trò ứng cử viên đảng Dân chủ, đà tăng tiến của bà Harris đã chậm lại đôi chút. Trong khi, dù ông Trump vừa trải qua một thời gian bị đánh giá không khởi sắc, song cựu Tổng thống vẫn cho thấy sự bền bỉ đáng gờm.
Ông Trump công bố rõ mục tiêu kéo dài và mở rộng các đợt cắt giảm thuế năm 2017 – từ thời ông còn tại nhiệm, cho hầu như tất cả người Mỹ, trấn áp mạnh tay hơn với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, áp dụng thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu và không ủng hộ phần lớn kế hoạch của Tổng thống Biden nhằm hướng tới một tương lai năng lượng sạch.
Trong khi đó, bà Harris cũng có kế hoạch kéo dài một số đợt cắt giảm thuế của thời ông Trump − nhưng không dành cho các cá nhân và tập đoàn kinh tế giàu có – thậm chí tăng thuế mạnh tay đối với những người Mỹ giàu nhất, áp dụng thuế quan có mục tiêu hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thắt chặt các hạn chế nhập cư nhưng không mạnh tay và rộng rãi như ông Trump.
Về vấn đề hàng nhập khẩu, trong khi ông Trump vẫn kiên trì “mục tiêu chính của sắc thuế này là khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Quan điểm của bà Harris không cho thấy điểm mới, vì ngoài việc phê phán sắc thuế này sẽ đẩy giá tiêu dùng lên cao, cử tri còn muốn nghe bà giải thích tại sao chính quyền đương nhiệm – nơi bà đã phục vụ trong gần bốn năm, vẫn giữ nguyên các mức thuế từ thời ông Trump. Bà chưa đề xuất cách nào để giải quyết lạm phát – mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Các cuộc thăm dò ý kiến tiếp tục cho thấy người Mỹ coi ứng viên Donald Trump là người quản lý nền kinh tế tốt hơn. Theo giới quan sát, điểm mà Phó Tổng thống Kamala Harris bị cho yếu thế hơn liên quan khả năng xử lý các vấn đề trong nền kinh tế, khi giá cả tăng và hàng loạt vấn đề phát sinh vẫn đang khiến cử tri Mỹ chưa thể hài lòng với cách vận hành của chính quyền đương nhiệm, có vai trò không nhỏ của bà Harris ở đó.
Sau cuộc tranh luận đầu tiên (10/9), giới truyền thông Mỹ có nhiều bài nhận định ứng viên của Đảng Dân chủ đã “áp đảo” đối thủ, khéo léo “khích tướng” khiến ông Trump không giữ được bình tĩnh lộ điểm yếu, đồng thời chuyển tải thành công thông điệp về một “tương lai tươi sáng cho nước Mỹ”.
Tuy nhiên, ở phía bên kia, nhiều người cho rằng, cựu Tổng thống Trump là nhân tố quá quen thuộc trên chính trường Mỹ và đại bộ phận cử tri nước này, trong đó có cả nhóm cử tri độc lập, không còn lạ “phong cách Donald Trump” dù bị đối phương tô vẽ thế nào.
Ông Trump được nhận định vẫn thể hiện lập trường cụ thể, thậm chí một số người đánh giá cao quan điểm thực tế của một nhà kinh doanh, dù cử tri vẫn muốn biết rõ ràng hơn những gì ông sẽ làm và đặc biệt là sẽ điều chỉnh để tốt hơn so với nhiệm kỳ trước, nếu được bầu lại.
Trong khi về phương diện lập trường chính sách, nhất là chính sách điều hành nền kinh tế, bà Harris vẫn là “ẩn số” đối với đa số cử tri. Nhưng bà đã không tận dụng được cơ hội “mặt đối mặt” hiếm hoi để khắc họa bản thân và các kế hoạch kinh tế của riêng mình, đồng thời làm xói mòn danh tiếng mà ông Trump có được nhờ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ vượt qua Covid-19.
Không như mong đợi, bà Harris vẫn mới chỉ nhấn mạnh những thay đổi về chính sách và hứa hẹn, mà chưa giải thích kế hoạch cụ thể là gì, để xóa bỏ nhận xét của giới phân tích rằng – chiến dịch của bà chưa đủ thuyết phục khi vẫn thiếu chiều sâu và còn mơ hồ về các chính sách cứng rắn. Đây cũng chính là điểm bị ông Trump công kích nhiều nhất rằng, những thay đổi quan điểm mới đây của bà Phó Tổng thống là “không chân thành”.
Tất nhiên, một số tờ báo và tạp chí uy tín vẫn chọn cách thận trọng trong đánh giá về “tương quan lực lượng” khi nhận định, về cơ bản, cả hai so kè sát nút và rất khó để dự đoán ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bau-cu-tong-thong-my-2024-ai-la-lua-chon-tot-nhat-cho-nen-kinh-te-xu-co-hoa-286855.html