Xu hướng sinh ít con đang dần trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, số cặp đôi trẻ hiện nay chỉ sinh một con đã tăng gấp đôi ở thế hệ trước – từ 11% năm 1976 lên 22% vào năm 2015. Tỷ lệ này cao tới 47% ở một số nước châu Âu.
Tiến sĩ Susan Newman, nhà tâm lý học ở New York (Mỹ) cho biết, với nhiều cặp đôi, việc sinh một con giúp họ dễ dàng nuôi dạy và cân bằng tài chính trong cuộc sống hơn so với sinh nhiều con. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con một vẫn có nhiều thách thức, liên quan tới tính cách và hành vi của trẻ, hay còn thường được gọi là “hội chứng con một”.
Khuôn mẫu con một
Trên thực tế, không ít người nhận định những đứa trẻ là con một thường được chiều chuộng, bao bọc hơn nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu các kỹ năng xã hội, tự coi mình là trung tâm và bị cô lập, dễ hư hỏng, cô đơn.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy, việc là con một ảnh hưởng đến tính cách, hành vi hoặc hạnh phúc của người đó. Một nghiên cứu toàn diện về tính cách năm 2019 được công bố trên Journal of Personality Research cho thấy tính cách không được quyết định bởi sự hiện diện hay vắng mặt của anh chị em ruột. Bởi vấn đề nằm ở cách cha mẹ nuôi dạy con một.
Thách thức lớn nhất đối với các bậc cha mẹ có một con là những năm đầu đời, phần lớn thời gian ở nhà chỉ có cha mẹ và con. Con có thể chơi suốt ngày với cha mẹ nhưng điều đó không giống với trải nghiệm được vui chơi cùng nhiều đứa trẻ khác. Tuy nhiên, việc chơi một mình có thể khiến đứa trẻ trở nên sáng tạo hơn.
Newman cho biết, cha mẹ có một con thường có nhiều năng lượng và kiên nhẫn hơn vì họ không bị lôi kéo theo nhiều hướng hoặc liên tục phải giải quyết tranh chấp giữa anh chị em. Họ thường có nhiều thời gian hơn để lắng nghe con mình, dành thời gian cho cả con và bạn đời và theo đuổi sở thích riêng.
Thêm vào đó, đứa trẻ là con một nhận được sự quan tâm tuyệt đối từ cha mẹ, tạo ra mối liên kết đặc biệt giữa con cái và cha mẹ, bao gồm sự tin tưởng và minh bạch. Việc không có sự thiên vị của cha mẹ và sự ganh đua giữa anh chị em không làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ. Trường hợp con một cũng được cho là có lợi thế về học tập vì tất cả nguồn lực của cha mẹ đều được dành cho con.
Con một thường bị cho là tồn tại trong một “bong bóng cô đơn” nhưng thực tế, người đó có đời sống xã hội bên ngoài gia đình và là một phần của nhiều vòng tròn đồng tâm, bao gồm đại gia đình, bạn học cùng trường, bạn bè hàng xóm và cộng đồng. Con một ý thức được việc mình có tất cả, không phải chia sẻ sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ hay đồ chơi với người khác. Nhưng đôi khi, điều đó cũng có thể là một thách thức khi cá nhân đứa trẻ không có nơi nào để trốn và không có ai khác để đổ lỗi cho mọi việc. Và trách nhiệm chăm sóc khi cha mẹ già đi không thể chia sẻ với ai.
Cách nuôi dạy con một
Nhà tâm lý học xã hội Susan Newman cho biết, các gia đình có con một nên lưu ý cho trẻ hòa nhập xã hội với bạn bè từ sớm và thường xuyên khi còn nhỏ. Các sân chơi, trường mầm non, lớp học hoặc câu lạc bộ sẽ giúp chúng phát triển các kỹ năng xã hội mà trước đây mọi người thường nghĩ chỉ có anh chị em mới có. Thậm chí, những tình bạn bền chặt có thể trở thành người thay thế anh chị em và cung cấp hệ thống hỗ trợ suốt đời.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ tham gia các môn thể thao đồng đội hoặc các hoạt động ngoại khóa nhóm như ban nhạc để giúp trẻ hình thành nhận thức bản thân không phải lúc nào cũng là trung tâm của sự chú ý.
Kể cả khi trẻ là con một, cha mẹ cũng hãy hành động như thể gia đình có đông con bằng cách phân chia công việc nhà cho trẻ, vạch rõ những ranh giới và trách nhiệm của trẻ trong từng hành động, tránh việc ỷ lại hoàn toàn vào cha mẹ.
Dù đông con hay một con, phụ huynh không được nói “có” với mọi mong muốn và ý thích của trẻ. Điều này chỉ khuyến khích cảm giác hưởng thụ và đòi hỏi của trẻ.
Đừng vì lo lắng con buồn chán, không có anh chị em chơi cùng mà sắp xếp kín lịch trình của con bằng các lớp học, các hoạt động ngoại khóa. Trẻ cần những khoảng trống để nghỉ ngơi, tự khám phá và vui chơi một mình.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/nuoi-day-con-mot-co-kho-khong-d199621.html