“Để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ gây tổn thất nghiêm trọng và không cần thiết, Hạ viện nên đi theo sự dẫn dắt của Thượng viện và thông qua dự luật chi tiêu được lưỡng đảng ủng hộ”, ông Chuck Schumer – lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện – viết trong lá thư gửi các đảng viên Dân chủ.
Theo Reuters, một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng trong Thượng viện Mỹ đang hợp tác theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời. Dự luật này sẽ duy trì nguồn tài trợ cho các cơ quan liên bang đến khi các thỏa thuận trong năm tài khoá mới có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
Đến nay, Thượng viện Mỹ vẫn kiên trì với đề xuất ngân sách chi tiêu 1,59 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đồng thuận vào mùa xuân vừa qua. Tuy nhiên, một số nghị sỹ bảo thủ theo đường lối cứng rắn của Hạ viện lại đang thúc đẩy cắt giảm chi tiêu xuống mức thấp hơn.
Tuần trước, Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngắn hạn để duy trì nguồn tài trợ cho chính phủ trước ngày 30/9, nếu không Chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa lần thứ 4 chỉ trong vòng một thập kỷ.
Một số đảng viên đảng Cộng hòa đã bác rủi ro về việc đóng cửa chính phủ. Họ cho rằng sẽ rất khó để đạt được sự đồng thuận trong việc cắt giảm chi tiêu nhiều hơn nhằm giải quyết khoản nợ quốc gia lên tới 31,4 nghìn tỷ USD.
Các thượng nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Mỹ ủng hộ 12 dự luật chi tiêu riêng biệt, dự kiến tài trợ cho hầu hết các hoạt động của chính phủ trong năm tài khoá 2024. Trong khi đó, Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện đang đề ra những dự luật khác chỉ được đảng Cộng hoà ủng hộ.
Ngay trong nội bộ các nghị sỹ Cộng hoà tại Hạ viện cũng có nhiều khác biệt về quan điểm liên quan đến các vấn đề, từ viện trợ khẩn cấp nhiều hơn cho Ukraine đến quy mô chi tiêu của chính phủ.
Khác với những cuộc tranh cãi về chi tiêu ở Mỹ trong những năm qua, Thượng viện đã thể hiện rõ mong muốn thông qua dự luật tạm thời và thể hiện quan điểm nhất quán của mình trước đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong các cuộc đàm phán, có thể kéo dài đến tháng 12, về các dự luật dài hạn hơn.
Trước đó, vào tháng 5, Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử khi Hạ viện trì hoãn thông qua quyết định nâng mức trần nợ công.
Kông Anh(Nguồn: Reuters)