aaaaaaaaaaaa1.jpg
Biển Sầm Sơn nhộn nhịp trong những ngày hè

Ông Lê Văn Tú – Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, ngay từ thời Pháp, Sầm Sơn đã được khai phá và trở thành một trong những địa điểm du lịch đầu tiên của cả nước. Đến nay, Sầm Sơn đã là thương hiệu du lịch của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Dù những năm qua, Sầm Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế vốn có. Trong đó, dịch vụ và du lịch phát triển chưa mạnh, chưa xứng tầm của đô thị du lịch trọng điểm; du lịch vẫn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ và năng lực đón khách quốc tế, khách cao cấp còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú; hạ tầng đô thị vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ…

Nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy tối đa lợi thế của địa phương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 07 năm 2021 về xây dựng và phát triển TP. Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

aaaaaaaaaaa2.jpg
Nhạc nước ở khu Quảng trường biển là điểm nhấn khi du khách đến với Sầm Sơn

Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Đến năm 2045, Sầm Sơn sẽ là đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước; kết nối chặt chẽ với TP. Thanh Hóa về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.

Ông Tú cho biết, để từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển Sầm Sơn theo Nghị quyết 07, năm 2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa có quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Sầm Sơn. Theo đó, ngân sách TP. Sầm Sơn được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 6 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố với số tiền sử dụng đất không quá 5.500 tỷ đồng. 

aaaaaaaaaaa3.jpg
Hòn Trống – Mái là điểm check-in lý tưởng không thể bỏ qua khi đến Sầm Sơn

“Cơ chế đặc thù là một nguồn lực để Sầm Sơn đồng bộ hạ tầng, từng bước hiện thực hóa sớm đưa đô thị trở thành du lịch trọng điểm quốc gia. Chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các quy hoạch trên địa bàn, tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, triển khai nhanh các dự án kết nối giao thông, hạ tầng thiết yếu tại những điểm đến, đặc biệt là bến tàu du lịch trên sông Mã; đầu tư tuyến Đại lộ Nam sông Mã, tuyến trục cảnh quan Quốc lộ 10 đến đường 4c; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thải, nước mưa đường Hồ Xuân Hương…”, ông Tú cho biết.

aaaaaaaaaaa4.jpg
Đến với Sầm Sơn du khách được thỏa sức check-in

Cũng theo ông Tú, ngoài thực hiện có hiệu quả quy hoạch, TP Sầm Sơn đang thực hiện triển khai xây dựng 4 hành lang phát triển gồm: Hành lang công cộng (bố trí các công trình công cộng, hành chính, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn của thành phố); hành lang lễ hội (quảng trường biển, các tuyến phố đi bộ, khu mua sắm, ẩm thực, chợ hải sản…); hành lang sông Đơ (khu vui chơi, khu sinh thái, công viên…); hành lang đại lộ Nam Sông Mã.

a5aaaaaaaaaaaa.jpg
Đêm khai mạc du lịch biển Sầm Sơn 2024 đông kín người 

Cùng với đó, TP. Sầm Sơn cũng tập trung phát triển chuỗi điểm nhấn bằng việc triển khai thực hiện 8 phân khu đô thị gồm: Khu đô thị dọc bờ biển từ sông Mã đến núi Trường Lệ là trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại và đô thị; Khu đô thị du lịch Nam Sầm Sơn là trung tâm du lịch biển cao cấp với các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao; Khu dịch vụ du lịch sinh thái tâm linh núi Trường Lệ; Khu vui chơi giải trí bốn mùa dọc Sông Mã; Khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa ngành; Khu dân cư hiện trạng, dân cư đô thị mới; Khu trung tâm du lịch, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng; Khu hành chính mới của thành phố.

Được biết, trong năm 2024, TP Sầm Sơn ước đón gần 8,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 16 nghìn tỷ đồng.

Lê Dương