Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với chủ đề “Trao đổi về Đề án thành lập Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang”.
Dệt may – da giày là hai ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may – da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8 năm 2024. Ảnh: Vũ Hoa |
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích lâu dài và bền vững hơn. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: “Dệt may và da giày là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù vẫn chịu ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu hai ngành vẫn đạt gần 30 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam“.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, ngành dệt may, da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, khả năng tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác.
Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung. Điều này bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.
Việc áp dụng quy định về quy tắc xuất xứ nêu trong các Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA) để mặt hàng dệt may, da giày tận dụng lợi thế về miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đang tác động lớn cho doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI sản xuất hướng tới xuất khẩu tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày là rất cần thiết.
Sự cần thiết xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu
Bày tỏ quan điểm về việc cần thiết xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu thời trang, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Việc thành lập trung tâm nguyên phụ liệu thời trang không phải vấn đề lớn nhưng thành công hay không phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, chúng tôi cho rằng cơ chế là đặc biệt quan trọng”.
Ông Cẩm cũng đề xuất cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành.
Hiện có nhiều chợ nguyên phụ liệu đang hoạt động, tuy nhiên quy mô nhỏ lẻ và không hiệu quả. Về lâu dài, Việt Nam phải cần có trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên, phụ liệu vì khi thị trường và ngành dệt may, da giày trong nước phát triển, sẽ cần có nơi để tập trung mẫu, phân phối nguyên, phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh: “Thời gian qua, Cục Công nghiệp đã làm việc với hai hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động… Dự kiến trong tháng 10, các hiệp hội sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc và các quốc gia khác đã xây dựng thành công mô hình này để hoàn thiện đề án đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai”.
Thông qua đó, ông Phạm Tuấn Anh đề xuất các Thương vụ nước ngoài cho ý kiến về việc xây dựng Trung tâm, phối hợp tìm hiểu và chia sẻ thông tin về các mô hình tương tự, đặc biệt thông tin về quy mô, phương thức hoạt động và các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ các nước. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Cục Công nghiệp và các Hiệp hội lắng nghe ý kiến về nhu cầu, xu hướng phát triển ngành công nghiệp dệt may – da giày ở các nước và cập nhật thị trường nguồn cung tiềm năng.
Nguồn: https://congthuong.vn/hoi-nghi-giao-ban-xuc-tien-thuong-mai-voi-he-thong-thuong-vu-viet-nam-o-nuoc-ngoai-thang-82024-343559.html