Nếu phụ huynh không biết nói chuyện đúng cách với con sẽ gây ra những thay đổi lớn về tính cách. Một trong những hậu quả đó là: Trẻ trở nên hướng nội, thậm chí tự thu mình lại, không muốn tiếp xúc và nói chuyện với những người xung quanh.
1. Thường xuyên răn đe, cảnh cáo
Theo India Parenting, khi cứ cằn nhằn và thỉnh thoảng đưa ra những lời cảnh cáo, bạn thực sự đang cho phép trẻ phớt lờ, ngầm chống đối vì chúng biết rằng thực tế bạn sẽ không làm gì cả. Vì vậy, trước khi đưa ra lời cảnh cáo nào đó, bạn nên suy nghĩ kỹ và nhất định thực hiện nó.
2. Cha mẹ luôn tự cho mình đúng
Có quá nhiều bậc cha mẹ lấy lý do vì muốn “tốt cho con” nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Cha mẹ luôn muốn con phải như thế này; phải học cái kia, phải làm cái nọ. Khi còn nhỏ, con sẽ nghe lời cha mẹ, nhưng đến một độ tuổi nhất định, chúng cũng có những suy nghĩ riêng và cần sự tôn trọng, lắng nghe từ cha mẹ.
Vì thế, mỗi khi vấn đề xảy ra, sự áp đặt và thiếu thấu hiểu của cha mẹ vô tình khiến con xa cách. Cuối cùng, con cái và cha mẹ dần hình thành khoảng cách lớn với nhau.
3. Cằn nhằn
Hành vi này nếu kéo dài và nghiêm trọng, sẽ vô tình cắt đứt sự kiên nhẫn và tương lai tươi sáng của trẻ, tạo nên tính cách nóng nảy cho con về sau.
Bậc phụ huynh nên học cách kiểm soát tính cằn nhằn của mình. Vì không phải cứ nói nhiều là trẻ sẽ nghe. Càng nói nhiều thì cuối cùng chỉ khiến lời nói của chúng ta trở nên vô giá trị đối với trẻ mà thôi. Xin hãy ghi nhớ!
Tục ngữ có câu: “Lời nói ra ba lần liền sẽ nhạt như nước.”
Một lời nhắc nhở thiện ý thì không thành vấn đề, nhưng nếu nó bắt đầu biến thành sự cằn nhằn thì sẽ mang lại tác động tiêu cực. Để khắc phục, sau này khi muốn trẻ ghi nhớ điều gì đó, bạn chỉ cần nói một lần và yêu cầu trẻ nhắc lại, như vậy sẽ có hiệu quả hơn.
Khi nói, hãy nhìn vào mắt con, để cho con thấy sự chân thành và nghiêm túc. Những chi tiết nhỏ như vậy sẽ giúp cho việc giao tiếp giữa chúng ta và trẻ nhỏ trở nên suôn sẻ hơn.
4. Không lắng nghe con
Việc chú ý lắng nghe trẻ nói có thể khó đối với nhiều cha mẹ. Nhưng điều quan trọng là bạn phải làm điều đó ngay cả khi tâm trí đang bận tâm đến hàng nghìn việc.
Con cái luôn muốn cha mẹ lắng nghe chúng. Và nếu người lớn phớt lờ, trẻ sẽ không học được giá trị của sự tôn trọng và cảm thông.
5. Cáu gắt và nóng tính
Khi con còn nhỏ, người gần gũi và đáng tin cậy nhất đối với trẻ chính là cha mẹ của chúng. Lúc nào chúng cũng quấn quýt bên cha mẹ vì muốn cảm nhận hơi ấm và được yêu thương nhiều hơn. Thế nhưng, có những bậc cha mẹ khi đi làm việc bên ngoài gặp chuyện không vui vẻ lại mang bực tức về nhà và trút lên đầu con cái.
Có đứa trẻ nào lại muốn gần gũi với cha mẹ nóng tính? Trẻ mới nói vài câu, chỉ vì không đồng quan điểm với cha mẹ lập tức bị la mắng. Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ và con cái dần xa cách nhau cũng bắt nguồn từ việc cha mẹ hay cáu gắt, nóng tính với trẻ.
6. So sánh
Hành vi này sẽ chặt đứt sự tự tin của trẻ nếu như bạn thực hành sai cách. Nếu có so sánh thì chỉ nên so sánh theo “hướng tung”, chứ đừng theo “hướng hoành”.
“Hướng hoành” là đề cập đến việc so sánh con với những đứa trẻ khác, hành động này mang đến cái hại nhiều hơn cái lợi. Bởi vì dù con bạn có giỏi đến đâu thì ở bên ngoài kia vẫn sẽ luôn có người giỏi hơn chúng. Đó gọi là “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”. So sánh như thế sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy bản thân mãi mãi không bao giờ đủ tốt, cho dù chúng có phấn đấu đến đâu.
Muốn tốt cho con thì chỉ nên so sánh con theo “hướng tung”, nghĩa là hãy so sánh con của ngày hôm nay và chính con của ngày hôm qua. Điều này giúp khuyến khích và hướng dẫn trẻ em phát triển theo hướng tích cực.
Hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua, ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay, đây là một sự tăng trưởng lành mạnh. Nó sẽ cho trẻ cảm giác hạnh phúc, đủ đầy và tự tin hơn.
Bạn có thể nói với con những câu tương tự như thế này để khích lệ trẻ: “Mặc dù hôm nay kết quả vẫn không như ý muốn, nhưng mẹ nhìn thấy được con đã cố gắng rất nhiều, con đã làm tốt hơn hôm qua rồi. Mẹ hy vọng ngày mai con sẽ có biểu hiện xuất sắc hơn nhé!”
7. Luôn nhắc lại sai lầm của con
“Hôm nay là một ngày mới” và bạn nên học cách tiếp tục. Đừng lôi những việc con bạn đã làm sai trong quá khứ để cảnh báo trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy thất vọng và nghĩ rằng cha mẹ không tôn trọng chúng dù đã sửa sai và làm mọi việc tốt hơn. Trẻ sẽ không cố gắng thúc đẩy bản thân hơn nữa.
8. Nghi ngờ
Hành động này sẽ cắt đứt hy vọng của trẻ về tương lai.
Mỗi khi giao tiếp với trẻ, chúng ta thường nghi ngờ rằng chúng đang nói dối. Tuy rằng người lớn thường hay thốt ra câu: “Trẻ em không biết nói dối.” Nhưng họ cũng thường tự mình nghiêm nghị, chất vấn một đứa trẻ rằng: “Trẻ em thì không được nói dối đâu đấy!”
Nghi ngờ không làm cho trẻ em tốt hơn, nhưng niềm tin thì có thể. Những đứa trẻ có thể sẽ không làm được tốt như những gì mà bạn kỳ vọng, nhưng nếu có được sự tín nhiệm, thì ít ra chúng sẽ vẫn cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hãy thử một lần, chẳng cần làm gì nhiều, chỉ cần nhẹ nhàng nói một câu từ tận tấm lòng, rằng: “Mẹ tin con!” Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xuất hiện.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/8-sai-lam-dien-hinh-cua-cha-me-khi-noi-chuyen-khien-con-ngay-cang-xa-cach-172240527162345857.htm