Ngày 27/10, TAND huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết do nguyên đơn và bị đơn không kháng cáo nên bản án Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ, đã có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, cụ bà 86 tuổi sẽ được các con thay nhau chăm sóc trong thời gian 6 tháng cho đến khi người mẹ qua đời, hoặc cho đến khi có sự thỏa thuận khác của các đương sự.
Trong thời gian nguyên đơn trực tiếp nuôi dưỡng mẹ, phía bị đơn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi mẹ và ngược lại.
Người trực tiếp nuôi dưỡng mẹ không được cản trở người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng thực hiện nghĩa vụ và quyền của con đối với mẹ. Người không trực tiếp nuôi mẹ không được lạm dụng việc thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho mẹ để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ của người trực tiếp nuôi dưỡng.
Theo nội dung vụ án, nguyên đơn và bị đơn là anh em ruột. Phía nguyên đơn gồm 4 người, bị đơn 3 người.
Phía nguyên đơn cho rằng, trước kia, cha mẹ do cả 7 anh em cùng nhau chăm sóc. Tuy nhiên, tháng 9/2022, khi nguyên đơn từ TPHCM về Quảng Ngãi để chăm sóc cha mẹ đã bị bị đơn ngăn cản, đuổi đánh gây thương tích.
Sau khi cha mất, nguyên đơn muốn đưa mẹ đi để nuôi dưỡng nhưng bị đơn không đồng ý. Khi hai bên xảy ra xô xát, bị đơn dùng dao hăm dọa không cho nguyên đơn dẫn mẹ đi.
Nguyên đơn cho rằng, sau khi xây mộ cho cha, phía bị đơn đã lắp cửa và khóa cửa mộ, không cho nguyên đơn thắp hương cho cha. Nguyên đơn yêu cầu chính quyền địa phương đến can thiệp để được thăm, đưa mẹ vào TPHCM phụng dưỡng nhưng bị đơn cản trở, đe dọa đánh nguyên đơn.
Từ tháng 6 đến tháng 8, nhiều lần nguyên đơn đến thăm mẹ, thắp hương cho cha đều bị phía bị đơn cản trở, chửi bới, không cho vào nhà.
Theo nguyên đơn, bị đơn đã viết cam kết không đánh chị, em. Bị đơn cũng nhận trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ đến cuối đời vì đã được sang tên đất đai, nhà cửa của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, bị đơn không thực hiện cam kết. Mặt khác, trước kia, bị đơn đã không chăm sóc tốt cho cha.
Vì vậy, phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ. Đồng thời yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải giao mẹ cho phía nguyên đơn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong khi đó, phía bị đơn cho rằng, trong thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, phía bị đơn không có hành vi ngược đãi. Về việc khóa cửa mộ, bị đơn nói do gió làm tắt đèn, đồng thời sợ mộ bị trộm đồ cúng nên có làm cửa khóa. Tuy nhiên, sau đó phía bị đơn đã mở cửa để nguyên đơn đến viếng mộ cha.
Bị đơn không cản trở việc nguyên đơn đến thăm, gặp mẹ. Tuy nhiên, do mỗi lần nguyên đơn đến thăm mẹ lại dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh. Vì vậy, bị đơn không đồng ý để nguyên đơn vào nhà gặp mẹ.
Trước tòa, bị đơn không đồng ý giao mẹ cho nguyên đơn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Bị đơn yêu cầu được trực tiếp chăm sóc mẹ, phía nguyên đơn có nghĩa vụ về thăm, đóng góp kinh phí nuôi mẹ.
Trong phần nhận định và tuyên án, Hội đồng xét xử viện dẫn các điều khoản trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Người cao tuổi. Theo đó, cả nguyên đơn và bị đơn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng mẹ như nhau.
Hành vi cản trở của bị đơn không cho nguyên đơn thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ đã vi phạm Khoản 2 Điều 71, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, và Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu bị đơn chấm dứt hành vi cản trở nguyên đơn thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ là có căn cứ. Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Hội đồng xét xử nhận thấy, 7 người con chưa ai bị xử phạt hành vi ngược đãi cha mẹ, nên quyền nuôi dưỡng như nhau. Căn cứ các điều luật, TAND huyện Nghĩa Hành tuyên mỗi bên luân phiên nuôi mẹ 6 tháng.