69 cơ sở này nằm trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ô dôn (Cục Biến đổi khí hậu), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nội dung giảm phát thải khí nhà kính trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã được cụ thể hóa trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; và sắp tới là các hướng dẫn kỹ thuật của các Bộ quản lý lĩnh vực giảm phát thải về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ và kiểm kê khí nhà kính. Riêng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư hướng dẫn cho lĩnh vực quản lý chất thải.
Doanh nghiệp thuộc danh mục trong Quyết định 01, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giấy và bột giấy sẽ cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ 2024 trở đi. Đồng thời, xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 – 2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Ông Huy lưu ý, doanh nghiệp giấy và bột giấy cần quan tâm đến cả hai vấn đề là bảo vệ môi trường và năng lượng. Khi doanh nghiệp thực hiện các giải pháp quản lý ô nhiễm môi trường và quản lý quy trình sản xuất sẽ có đồng lợi ích về giảm phát thải. Cần nhìn nhận đây là cơ hội chứ không phải gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo đó, quy trình sản xuất giấy có một số nguồn phát thải chính. Trực tiếp là từ quá trình đốt nhiên liệu cho lò hơi, lò thu hồi hóa chất, máy phát điện dự phòng diesel, xe nâng, các phương tiện mà công ty sở hữu, sử dụng để vận chuyển gỗ/dăm bào/vỏ cây/giấy vụn/sản phẩm…; phát thải từ xử lý nước, bổ sung hóa chất, rò rỉ từ các thiết bị làm lạnh như điều hòa không khí. Phát thải gián tiếp từ các hoạt động tiêu thụ điện; từ nhiệt/hơi nước được mua đối với một số quy trình như làm mềm sợi, nấu giấy, dây chuyền sản xuất giấy, máy cắt giấy…
Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ các quy định cụ thể về giảm phát thải KNK, các phương pháp, công cụ tính toán kiểm kê KNK, hệ thống báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở và thực hành tính toán giả định kiểm kê phát thải KNK, đồng thời, giới thiệu về hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến. Đại diện một số doanh nghiệp giấy của Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các hoạt động động giảm nhẹ và ước tính mức lượng giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC, việc nắm vững những thông tin về kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp tăng cường sự tham gia của khối tư nhân tham gia thực hiện NDC, cũng như triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu. Nhìn ở góc độ khác, hoạt động của doanh nghiệp cũng qua đó để dần tuân thủ các chỉ tiêu về Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), đáp ứng yêu cầu của các đối tác, cổ đông, nhà đầu tư trong bối cảnh thực hiện mục tiêu chung về trung hòa các-bon.
Trong bối cảnh kinh doanh có nhiều biến động trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện tốt công tác kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng cho chiến lược kinh doanh đồng thời tăng sức cạnh tranh trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về ứng phó BĐKH – ông Fukuda nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia sản xuất giấy & bột giấy hàng đầu Đông Nam Á. Năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm khoảng 35% sản lượng. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm tỉ lệ trên 80%.