Khởi nguồn của sự thành công bắt đầu từ việc bạn tự nhận thấy mình đã thành công ở mức nào trong hiện tại. Sau vài thập kỷ nghiên cứu về sức mạnh tinh thần để tạo nên sự thành công, chuyên gia tâm lý người Mỹ Scott Mautz cho biết: “Bước đầu tiên để đạt tới thành công chính là biết trân trọng những thành công bạn đã có”.
Đối với các bậc phụ huynh, câu hỏi “mình đã nuôi dạy con thành công chưa” không thể chỉ trả lời bằng việc con có thu nhập thế nào, chức vụ ra sao, đã đạt được những gì…
Không sai khi đánh giá sự thành công dựa trên những tiêu chí ấy, nhưng theo ông Scott Mautz, định nghĩa về thành công lớn hơn thế. Thành công trong việc dạy con còn nằm ở việc con bạn đang sống thế nào và con lựa chọn trở thành người như thế nào.
Khi suy nghĩ về sự thành công theo nghĩa rộng, một cá nhân thành công trong cuộc sống đòi hỏi phải có nhiều đức tính cho thấy họ có một nội lực tinh thần vững vàng. Thước đo chân thực về sự thành công của một cá nhân đòi hỏi những sự đánh giá về chất, bên cạnh những đánh giá về lượng.
Theo ông Mautz, nếu một phụ huynh có thể trả lời “có” cho 6 câu hỏi dưới đây, họ có thể tự tin rằng mình đã nuôi dạy con thành công.
Con có theo đuổi hệ giá trị tốt đẹp không?
Những điều bé nhỏ con làm mỗi ngày giúp định nghĩa con là ai. Những ấn tượng nhỏ con tạo ra mỗi ngày, về lâu dài, sẽ tạo thành những nhận định lớn đi theo con. Câu hỏi đặt ra là: Con có sống mỗi ngày theo một hệ giá trị tốt đẹp mà con đặt ra không?
Chẳng hạn, con có đề cao việc ứng xử nhân hậu với những người xung quanh không? Con có bền bỉ giữ gìn sự nhân hậu ấy, ngay cả khi tình huống trở nên khó khăn không?
Việc con kiên trì sống theo đúng hệ giá trị mà mình tôn trọng cho thấy con sống có trọng tâm, có kỷ luật. Cả hai điều này sẽ giúp đưa con tới thành công. Sống có trọng tâm, có kỷ luật, có hệ giá trị tốt đẹp mà mình đề cao không dễ. Nếu con làm được như vậy, con đã trên đường đi tới thành công.
Con có nỗ lực cải thiện bản thân không?
Tất cả chúng ta đều cần nỗ lực trong cuộc sống của mình, cố gắng hoàn thành tốt những trách nhiệm và nghĩa vụ trong học tập, công việc và cuộc sống. Trong quá trình ấy, đôi khi chúng ta bị lúng túng, mắc kẹt trong những thói quen không còn phục vụ tốt cho mình nữa. Thành công lớn hơn sẽ tới nếu chúng ta biết nhận ra và sửa đổi những điều không còn đưa lại hiệu quả.
Có thể thắng sức ì của bản thân và sức mạnh của thói quen để cải thiện bản thân, là dấu hiệu để nhận ra người thành công. Nếu con biết đặt mục tiêu cho bản thân, biết nỗ lực để đạt được những mục tiêu ấy, thậm chí, con có thể thay đổi bản thân để phục vụ cho mục tiêu đặt ra, vậy thì con có tố chất của người thành công.
Con có biết trân trọng những gì mình đang có không?
Chúng ta không thể có tất cả những gì mình muốn, việc biết trân trọng những gì mình đang có giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc, hài lòng hơn trong cuộc sống. Nhìn chung, con người rất dễ rơi vào cái bẫy tâm lý của việc không biết đủ. Việc con biết trân trọng những gì mình đang có, những gì mình đã đạt được, chính là một biểu hiện tâm lý của người thành công.
Con có tư duy trưởng thành không?
Trong quá trình con nỗ lực đạt được những mục tiêu mình đặt ra, sẽ có những lúc con sai lầm, phải trải qua những bước lùi. Khi ấy, con phản ứng thế nào? Con có dễ bị suy sụp, nản chí không?
Con có tư duy trưởng thành là khi con biết chấp nhận những lỗi sai, những bước lùi của bản thân, coi đó là điều không thể hoàn toàn tránh khỏi. Sau cùng, con biết sửa chữa, cải thiện tình hình, học hỏi từ sai lầm và linh hoạt thích ứng trên chặng hành trình nỗ lực đạt mục tiêu mình đặt ra.
Con có nỗ lực chuẩn bị để đón bắt cơ hội không?
Người thành công biết yêu quá trình nỗ lực của bản thân, bởi qua đó, họ đã cải thiện chính mình và tiến bộ. Họ không chỉ trân trọng kết quả, mà còn trân trọng cả quá trình nỗ lực.
Nhiều khi, quá trình nỗ lực rất khó khăn và gây nản lòng, nhưng nếu con vẫn nhẫn nại với từng nhiệm vụ nhỏ, đó là tín hiệu đáng mừng. Chính việc thực hiện tốt từng việc nhỏ là cách để con đạt được mục tiêu lớn mà mình hướng tới.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Scott Mautz lấy ví dụ về việc ông là một diễn giả chuyên về đề tài sức mạnh nội tâm. Nhiều người nghe ông diễn thuyết xong chia sẻ rằng, họ cũng muốn trở thành diễn giả, muốn được trả nhiều tiền cho những cuộc diễn thuyết.
Dù vậy, họ không biết ông Mautz đã phải dành ra nhiều thập kỷ nghiên cứu tâm lý học mới có thể phát hiện ra những nội dung đắt giá, khiến khách hàng thấy xứng đáng trả tiền để ngồi nghe. Ngoài ra, ông còn phải luyện tập rất nhiều để có kỹ năng diễn thuyết tốt. Quá trình chuẩn bị ấy có những mệt mỏi, thách thức, đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, trí lực, công sức và cả tiền bạc.
Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng từng đầu việc nhỏ là cách tốt nhất để một cá nhân sẵn sàng đón bắt cơ hội khi thời cơ xuất hiện. Thực tế, may mắn cũng thường chỉ đến với những ai có sự chuẩn bị tốt.
Con có biết mình muốn gì không?
Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy tâm lý của việc thấy người khác muốn gì, mình cũng muốn y hệt như vậy. Nhiều người cảm thấy mình thất bại chỉ bởi họ xây dựng định nghĩa thành công và hạnh phúc dựa trên quan niệm của người khác hay suy nghĩ của số đông. Điều cần thiết là chúng ta phải có được định nghĩa về thành công và hạnh phúc của riêng mình.
Nếu con bạn biết chính xác mình muốn gì qua từng giai đoạn, biết vui với những tiến bộ của bản thân và biết kiên trì nỗ lực, như vậy, con đã thành công trong việc xây dựng cách thức tư duy của người thành công.
Theo CNBC
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/6-cau-cha-me-nen-tu-hoi-de-biet-minh-da-nuoi-con-thanh-cong-chua-20241028175518717.htm