Hành trình làm cha mẹ không có một công thức chung. Cha mẹ nào cũng có những lúc phạm phải sai lầm, thiếu sót, nhưng có những việc tối kỵ cha mẹ không nên phạm phải, nếu muốn con phát triển toàn diện, có nội lực mạnh mẽ, bền bỉ.
Không nuông chiều con
Cha mẹ nuông chiều con khiến trẻ khó phát triển tính kiên nhẫn, sự bền bỉ, nhẫn nại. Đức tính này rất cần thiết để sau này khi trưởng thành, trẻ không dễ dàng bị suy sụp khi đứng trước khó khăn, áp lực hay những sự việc không như ý.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Esther Wojcicki cho biết những trẻ có tính kiên nhẫn thường có sự tự tin, khả năng “bật nảy”, phục hồi tốt hơn sau thất bại. Trẻ cũng có thể lấy lại đà nhanh hơn để tiếp tục nỗ lực thực hiện những việc cần làm.
Không nuông chiều con, nhưng cha mẹ cũng không nên đối xử với con hà khắc. Cha mẹ hãy đặt ra những kỳ vọng phù hợp cho con, dạy con cách sống kỷ luật, có trách nhiệm. Bằng cách này, cha mẹ sẽ rèn cho con sự tự chủ, tự kiểm soát, biết tự thúc đẩy bản thân, bởi trẻ biết chính xác mình cần thực hiện những gì mỗi ngày, như tự học, tự chơi, chủ động giúp cha mẹ làm việc nhà…
Cha mẹ càng đặt lòng tin vào tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của trẻ, trẻ sẽ càng nỗ lực tự hoàn tất việc cá nhân, hoàn thiện bản thân, ngày càng cư xử trưởng thành.
Không trách phạt con khi con phạm lỗi
Học cách sửa chữa hậu quả sau khi phạm lỗi với tinh thần tích cực là một kỹ năng sống rất quan trọng. Việc liên tục phạt con mỗi khi con phạm lỗi những tưởng là sự nghiêm khắc có tính giáo dục, nhưng lại đưa ra tín hiệu sai lầm rằng, lỗi sai là điều đáng xấu hổ.
Trong hành trình trưởng thành của trẻ, trẻ sẽ phải học hỏi, thử nghiệm rất nhiều và không tránh khỏi việc phạm lỗi. Cha mẹ hãy giúp con nhìn nhận rằng lỗi sai chỉ là một bước lùi tạm thời, con có thể học hỏi từ lỗi sai để tiến bộ vững vàng hơn.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Amy Morin nhấn mạnh rằng cha mẹ nên giúp con nhìn ra điều mà con có thể học được từ mỗi lỗi sai cụ thể. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin cần thiết để tiến bộ. Cha mẹ có thể chia sẻ câu chuyện của chính mình, hoặc sưu tầm những câu chuyện về người nổi tiếng vượt qua những thất bại đầu đời, để kể cho con, giúp con có cảm hứng nỗ lực bền bỉ.
Thực tế, những người thành công nhất cũng đều phải đi qua những thất bại, họ học hỏi không ngừng từ thất bại, để sau cùng đạt được mục tiêu. Để trẻ có khả năng thành công trong cuộc sống trưởng thành, ngay từ nhỏ, trẻ cần có kỹ năng tập trung vào những điều còn chưa ổn thỏa ở bản thân, sửa chữa, cải thiện những điều ấy, để nhanh chóng tiến bộ.
Việc sớm có cách tư duy tích cực khi đứng trước lỗi sai, thất bại của bản thân sẽ giúp trẻ biết cách biến bước lùi thành cơ hội học tập, rèn luyện để có những bước tiến.
Không tiêu cực, bi quan
Cuộc sống luôn có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta rất dễ trở nên tiêu cực, bi quan. Dù vậy, khi đã trở thành cha mẹ, hãy luôn nhớ rằng thái độ sống của bạn sẽ trực tiếp tác động tới các con của bạn.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Michele Borba cho biết những đứa trẻ tích cực, lạc quan có kỹ năng vượt qua khó khăn, thử thách tốt hơn. Tính cách ấy của trẻ được thừa hưởng rất nhiều từ cha mẹ. Cha mẹ luôn tiêu cực, bi quan sẽ khiến con cũng bị ảnh hưởng, trở nên yếu đuối, tiêu cực, dễ dàng từ bỏ khi gặp phải khó khăn.
Khi bạn hay con của bạn phải đối diện với tình huống thử thách, hãy bình tĩnh nói: “Được rồi, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua chuyện này”. Chính sự bình tĩnh và tinh thần lạc quan, tích cực của bạn sẽ giúp con dần học được cách kiểm soát tâm lý và hành vi của bản thân.
Không bực dọc khi con hỏi nhiều
Đôi khi cha mẹ đành phải yêu cầu con ngừng đặt ra những câu hỏi, dù vậy, nếu không bận, cha mẹ rất nên kiên nhẫn nuôi dưỡng sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Trẻ học nhanh hơn, học được nhiều hơn, nhớ lâu hơn khi đang ở trạng thái tò mò, hiếu kỳ.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Kumar Mehta cho biết cha mẹ của những người thành công hàng đầu trên thế giới thường là những người rất ưu tiên việc học tập, tìm hiểu kiến thức của con.
Những phụ huynh này thường khéo léo khích lệ, nuôi dưỡng sự tò mò của con đối với thế giới xung quanh. Họ coi việc trả lời những câu hỏi mà con đặt ra là một nhiệm vụ nghiêm túc, có ý nghĩa rất quan trọng, không thể làm một cách cẩu thả, hời hợt.
Không phản ứng thái quá
Cha mẹ dễ trở nên lo lắng thái quá trước những vấn đề mà con gặp phải, chẳng hạn một bài kiểm tra bị điểm thấp hay một cuộc cãi lộn với bạn bè ở trường. Sự lo lắng thái quá, thậm chí nghiêm trọng hóa vấn đề, không bao giờ đưa lại hiệu quả tích cực trong việc dạy con.
Điều cha mẹ nên quan tâm hàng đầu chính là tâm lý và hành vi của chính mình, bởi đó là điều mà con sẽ quan sát và học theo. Cha mẹ đừng để bản thân luôn sống trong căng thẳng, lo lắng, tức giận, mắng mỏ…
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Aliza Pressman cho biết cha mẹ rất nên rèn luyện tinh thần sống “không có việc gì là quá quan trọng”. Cách tư duy này sẽ giúp cha mẹ bình tĩnh hơn để đương đầu với mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống.
Đối với việc nuôi con, phần lớn những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ cũng không phải chuyện nguy cấp. Cha mẹ hãy học cách bình tĩnh đối diện, từ tốn tìm giải pháp xử lý.
Việc cha mẹ thường xuyên sống trong lo lắng, căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới sức khỏe tinh thần của trẻ, khiến trẻ cũng hay lo lắng, kém vui vẻ, hoạt bát. Điều này sẽ khiến trẻ đánh mất động lực cố gắng, trở nên thiếu tự tin, không vui vẻ, không dám mạo hiểm trước những bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống.
Nếu tự thấy bản thân hay lo lắng, thiếu bình tĩnh, cha mẹ hãy thường xuyên tự nhủ với bản thân rằng sự việc mà mình đang phải đối diện có lẽ cũng không nghiêm trọng như mình hình dung. Vì vậy, bạn hãy dừng lại một nhịp để bình tĩnh hơn và xử lý mọi chuyện từ tốn.
Theo CNBC
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/5-dieu-cha-me-can-tranh-neu-muon-nuoi-day-con-manh-me-va-thanh-cong-20240927104644881.htm