Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn.
Trung tá Đàm Quang Đô - Đồn Biên phòng Pò Hèn, phụ trách Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn cho biết: Đây là nơi ghi dấu tích các cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang Pò Hèn (nay là Bộ đội Biên phòng) và những cán bộ, chiến sĩ Trung đội tự vệ Lâm trường Hải Sơn cùng nhân viên thương nghiệp Pò Hèn đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Đỗ Sĩ Họa, sinh năm 1946, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa trước khi hy sinh là trung úy, Phó Đồn trưởng Đồn 209 - Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh). Trước khi về công tác tại Đồn 209, trung úy Đỗ Sĩ Họa đã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tuy bị thương, sức khỏe giảm sút, nhưng ông vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc, trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh ngày 17/2/1979. “Hôm đó, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Đồn trưởng đi công tác, trung úy Đỗ Sĩ Họa đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Khi điểm cao Đồi Quế bị chiếm, đồng chí Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công, đánh đuổi quân địch khỏi cao điểm và anh dũng hy sinh chiều 17/2/1979. Ngày 10/3/1979, đồng chí Đỗ Sĩ Họa được truy thăng quân hàm thượng úy và truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Trung tá Đàm Quang Đô kể lại.Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Là một dân tộc hiếu hòa, Việt Nam luôn mong muốn hòa bình với các dân tộc khác và luôn nỗ lực vun đắp cho hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Nhưng một khi độc lập chủ quyền bị đe dọa bởi các thế lực từ bên ngoài thì dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng, với ý chí quyết tâm và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước” được phát huy mạnh mẽ. Ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động khoảng 60 vạn quân cùng trên 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, giáng trả quyết liệt, cho dù lúc đó, nhân dân Việt Nam đứng trước thử thách to lớn: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc chưa lâu (1975), hậu quả để lại còn rất nặng nề; lại vừa kết thúc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước. Kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ; các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn ra sức hoạt động chống phá... Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu này có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của nhân dân hai nước bởi Trung Quốc là nước đã ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, vật chất lẫn tinh thần cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu nước (chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ) trước đó.Dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết một lòng với ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trước cuộc tiến công quy mô lớn ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác là thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả. Khi đất nước bị đe dọa, khi sơn hà nguy biến thì bài thơ “Nam quốc sơn hà” lại vang động mọi thôn làng, ngõ phố và người lính là những người đầu tiên và cuối cùng sẵn sàng đón nhận hòn tên mũi đạn. Lòng tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và chủ quyền lãnh thổ, tự lực tự cường luôn hiện hữu trong mỗi người dân Việt Nam. Chính nghĩa và khát vọng ấy đã được đường lối sáng suốt và tài tổ chức của Đảng ta biến thành sức mạnh toàn dân tộc để đi đến thắng lợi. Chịu tổn thất nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với truyền thống nhân nghĩa, lấy đại cục làm trọng, mong muốn củng cố hòa bình, khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam chỉ thị cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động quân sự để quân Trung Quốc rút về nước. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn toàn rút quân khỏi Việt Nam. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra trong vòng một tháng. Tuy nhiên, những xung đột còn kéo dài trong 10 năm sau đó, cho đến năm 1989.Các cựu binh, thân nhân liệt sĩ đến tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Bà Phạm Thị Tươi - em gái Anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng.
Tháng 2/1979, đồng chí Phạm Ngọc Yểng là trung úy - Chính trị viên Đại đội 2 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3), chốt giữ đồi Thâm Mô (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Rạng sáng 17/2/1979, quân xâm lược tập trung hỏa - binh lực hòng đánh chiếm Thâm Mô, nhưng đã bị bộ đội ta đánh trả quyết liệt. Mờ sáng ngày 22/2/1979, sau khi tăng lực lượng, Sư đoàn 63 của địch có xe tăng và pháo binh chi viện, mở đợt tiến công toàn diện vào điểm cao Thâm Mô. Những trận chiến đấu giằng co diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ y tá, nuôi quân, liên lạc đã anh dũng chiến đấu với quân thù, đánh địch từ khu nhà văn hóa Đại đội đến hầm chỉ huy. Sau 5 ngày chiến đấu, Đại đội 2 chỉ còn lại 20 chiến sĩ, do chính trị viên Phạm Ngọc Yểng chỉ huy. Chiều 26/2/1979, địch tập trung đánh chiếm đồi Thâm Mô. Bộ đội ta đánh địch bằng mọi thứ có trong tay, từ súng đạn đến đất đá và tay không. Xẩm tối, địch lại ồ ạt tổ chức đợt tiến công cuối cùng. Trung úy Phạm Ngọc Yểng chỉ huy 10 chiến sĩ còn lại của Đại đội, sau khi bắn hết đạn đã đánh giáp lá cà với quân địch và anh dũng hy sinh. Đại tá Phan Văn Thắng, người cùng đơn vị với Anh hùng, liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng kể lại: “Địch chiếm trận địa, chúng tôi hết đạn, rút về công sự của Yểng, thấy anh ấy ngồi tựa lưng vào vách hào, bàn tay phải còn nắm chặt khẩu K54. Từ đó, chúng tôi gọi đồi Thâm Mô là đồi Phạm Ngọc Yểng”… Trong tâm thức của bà Phạm Thị Tươi thì anh Yểng rất cao lớn, đi qua cửa nhà cứ phải cúi xuống. “Cuối năm 1978, anh ấy về phép, định cưới vợ, nhưng vì tình hình biên giới căng thẳng, nên anh phải trở về đơn vị, và việc cưới phải hoãn lại sau Tết”, bà Tươi nhớ lại. Trong niềm xúc động, bà Tươi rơm rớm nước mắt kể: “Sau khi anh tôi hy sinh, đêm nào mẹ tôi cũng xuống bếp ngồi khóc. Đơn vị về đón thân nhân liệt sĩ lên huyện nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ có bố tôi đi. Mẹ tôi vì nhớ con trai mà héo hon ốm đau và đến năm 1987 thì bà mất. Trước khi nhắm mắt, mẹ tôi vẫn không quên dặn bố tôi rằng cố gắng đưa hài cốt của anh tôi về quê”. Thực hiện di nguyện của bà Hoàng Thị Thuế (mẹ liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng), năm 1991, gia đình đã lên nghĩa trang Cao Lộc đưa liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng về quê nhà mai táng.Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim và đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Đình Văn Chung (hy sinh trên cao điểm 900, mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang) về nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Thủy.
45 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc để lại vẫn còn đó. Mảnh đất này vẫn đầy rẫy những dấu tích chiến tranh. Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác những tổn thất về người và của của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lấn chiếm ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, chỉ thống kê ở một mặt trận thôi cũng đủ thấy sự khốc liệt của cuộc chiến và những đau thương, mất mát. Chỉ riêng tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó mới chỉ có trên 1.700 hài cốt được tìm thấy, còn lại trên 3.000 hài cốt vẫn nằm rải rác đâu đó trong các hốc đá, vùi dưới gốc cây bên các sườn núi cheo leo cho đến nay vẫn chưa thể nào tìm và lấy ra đượ̣c. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam.Các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).
Nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 45 năm là để khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo ấy; tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân, nhất là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Cuộc gặp gỡ hữu nghị với nhân sỹ và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, diễn ra tại Hà Nội chiều 13/12/2023.
Phát biểu tại Cuộc gặp gỡ hữu nghị với nhân sỹ và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, diễn ra tại Hà Nội chiều 13/12/2023, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình gặp lại những người bạn, những người đồng chí Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, xúc động gặp lại các nhân sỹ, trí thức, cán bộ Trung Quốc và thân nhân các đồng chí Trung Quốc đã từng giúp đỡ Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm tin khi gặp gỡ thanh niên hai nước với chí hướng tiếp bước các thế hệ đi trước, mang đến sức sống và tương lai tươi sáng cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Quốc có nhiều truyền thống tốt đẹp. Quan hệ gần gũi, thân thiết giữa nhân dân hai nước được diễn tả rất đẹp trong bài hát Việt Nam - Trung Hoa của Nhạc sỹ Đỗ Nhuận: "Bên sông tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây/Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng". Nhân dân hai nước đã dành cho nhau nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ, đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ, to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam. Chia sẻ về một trong những phương hướng hợp tác cơ bản, quan trọng nhất của quan hệ Việt - Trung là củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những nguyện vọng thiết tha sâu xa từ bao đời nay của nhân dân hai nước về hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển chính là nguồn sức mạnh to lớn, cơ sở vững chắc cho niềm tin về tương lai tươi sáng của quan hệ giữa hai nước.Chiều 25/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Cùng tham dự có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba.
Tháng Hai, trời biên cương xanh ngắt một màu. Màu xanh đã phủ lên các quả đồi, dãy núi, cánh rừng, hố đạn nơi biên thùy phía Bắc năm xưa. Nhưng những chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn còn hiện hữu. Những chứng tích hào hùng mà bi thương đó luôn nhắc nhở chúng ta về chủ quyền biên giới, về cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại; nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về: Hòa bình, Độc lập, Tự do, Tự cường dân tộc.Bài: Viết Tôn - Diệp Trương - Hồng Điệp Ảnh, video: Viết Tôn - TTXVN Trình bày: Nguyễn Hà
17/02/2024 08:00
Nguồn
Bình luận (0)