Theo bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holding – có mối quan hệ hợp tác mua bán dự án. Tuy nhiên, ông Trí bị cáo buộc có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của bà Lan, giá trị 1.000 tỷ đồng.
Trong thỏa thuận giao dịch của ông Trí và bà Lan có dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở Lâm Đồng; 3 dự án tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh gồm Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Đảo Cái Chiên.
Dự án ở Lâm Đồng: Diện tích gần 3.600ha, vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng
Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (gọi là dự án Sài Gòn – Đại Ninh) do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2010, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tại thời điểm đăng ký thay đổi tháng 10/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, trong các năm từ 2020 đến 2022, ông Trí đã thông qua người thân, công ty con của Tập đoàn Capella mua lại 58% vốn Công ty Sài Gòn Đại Ninh, thanh toán 2.230 tỷ đồng. Tại ngày 28/1/2021, ông Trí là người đại diện pháp luật của công ty này.
Sau đó, ông Trí thỏa thuận bán 100% vốn điều lệ của công ty này cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho Trí tổng cộng 20 triệu USD (tương đương 463,5 tỷ đồng).
Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD (tương ứng 23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng, còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.
Tuy nhiên, sau đó bà Lan không mua cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thống nhất với ông Trí cộng số tiền đặt cọc 1 triệu USD (23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng này cùng với một số khoản tiền khác chuyển thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.
Dự án Sài Gòn – Đại Ninh có diện tích gần 3.600ha, trải dài trên 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan thuộc huyện Đức Trọng, có vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Dự án này bao trọn hồ Đại Ninh – địa danh được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ ở huyện Đức Trọng.
Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2010, sau 13 năm, dự án vẫn trong cảnh dở dang. Toàn cảnh dự án mới chỉ thấy một số con đường nhỏ kết nối giao thông, một số ngôi nhà nhỏ, còn lại phần lớn là đồi núi, bãi đất trống.
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ có yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất với dự án. Lý do thu hồi là chủ đầu tư đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông.
Tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ rút yêu cầu thu hồi này, UBND tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013. Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng cam kết, triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.
Sau đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án và tổng mức đầu tư dự án. Chủ đầu tư đề nghị nâng tổng mức đầu tư từ hơn 25.000 tỷ đồng lên hơn 30.200 tỷ đồng. Đồng thời, quy mô sử dụng đất không thay đổi.
Dự án Khu đô thị Đại Ninh cũng từng vướng không ít lùm xùm về vấn đề pháp lý. Sở Tài chính Lâm Đồng hồi tháng 10/2021 có báo cáo diện tích rừng bị mất của dự án hơn 257ha. Trong đó, hơn 140ha được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xác định trữ lượng từ năm 2016. Sở Tài chính đã phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng hơn 6,6 tỷ đồng, công ty Sài Gòn – Đại Ninh đã nộp đủ.
Diện tích 117ha rừng còn lại được xác định trữ lượng 3.449 m3. Sở xác định giá trị bồi thường hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn – Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.
3 dự án ở Quảng Ninh
Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan còn có thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Khoảng giữa năm 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings Group do Nguyễn Cao Trí làm Chủ tịch HĐQT có văn bản xin nghiên cứu quy hoạch các dự án: Khu công nghiệp Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh).
Bến Thành Holdings Group đã ký 23 hợp đồng với các đơn vị tư vấn để triển khai nghiên cứu quy hoạch dự án trên với tổng số chi phí của dự án đến nay đã thanh toán cho các nhà thầu tư vấn số tiền là 30,7 tỷ đồng. Nguồn tiền này được lấy từ hai công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với vai trò là nhà đầu tư hợp tác với Công ty Bến Thành Holdings Group.
Kết luận điều tra khẳng định tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận chủ trương cho Bến Thành Holdings Group triển khai nghiên cứu quy hoạch và hướng dẫn một số thủ tục liên quan. Dự án mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu quy hoạch, chưa giao đất, chưa triển khai dự án.
Nguyễn Cao Trí thỏa thuận để Trương Mỹ Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí. Bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng số tiền 220,2 tỷ đồng.
Sau đó, bà Lan không tiếp tục tham gia dự án và thống nhất với Trí chuyển số tiền 9,5 triệu USD này cùng với một số khoản tiền khác để mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.
Theo các thông tin được đăng tải, Bến Thành Holding Group xin nghiên cứu quy hoạch 2 dự án lớn, tổng diện tích 7.550ha là Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên. Tổng mức đầu tư 2 dự án khoảng 65.400 tỷ đồng.
Cụ thể, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà quy mô 4.988ha với các khu chức năng như khu công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; khu công nghiệp hậu cần, logistics, kho bãi, dịch vụ; khu công nghiệp nhẹ đa ngành; Khu dịch vụ du lịch, thương mại, giải trí; nhà máy điện khí… Tổng mức đầu tư khoảng 58.200 tỷ đồng.
Còn khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên có quy mô nghiên cứu gần 2.550ha. Dự án có 5 khu chức năng: Làng du lịch sinh thái đa năng; Khu du lịch kết hợp với vùng sinh thái nông nghiệp; khu nghỉ dưỡng sinh thái và phục hồi sức khỏe; khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí cao cấp quốc tế; các vùng sinh thái lâm nghiệp, cụm đảo kết hợp với khu nghỉ dưỡng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng.
Tại TP Móng Cái, Bến Thành Holding Group có khảo sát, nghiên cứu quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Trung – Vĩnh Thực; dự án khu đô thị sinh thái tại phường Hải Hòa; khu dịch vụ phi thuế quan tại phường Hải Hòa… Trong đó, Vĩnh Thực – Vĩnh Trung được tập đoàn này đánh giá có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và rất tiềm năng trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng.