Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã cùng Đại sứ Việt Nam tại Úc Nguyễn Tất Thành đã tái hiện cuộc gọi lịch sử cách đây 35 năm trong sự kiện ngày 20.11.
“Quan hệ hợp tác này thực sự đã tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt trong việc kết nối Việt Nam với quốc tế và đã góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ song phương mà hai nước chúng ta có được ngày hôm nay”, Đại sứ Goledzinowski nói.
Hành trình kết nối viễn thông của Việt Nam với thế giới đã bắt đầu từ sự hợp tác giữa Ủy ban Viễn thông hải ngoại (OTC) của Úc (sau này là Telstra) và Tổng cục Bưu điện Việt Nam (GDPT sau này được kế thừa bởi VNPT). Năm nay đánh dấu 35 năm OTC và GDPT ký Thỏa thuận Hợp tác Kinh doanh đầu tiên vào năm 1988.
Theo Đại sứ, quan hệ hợp tác này đã hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa những lợi ích của công cuộc đổi mới và giúp kiến tạo một môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam.
“Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Quan hệ Ngoại giao giữa Úc và Việt Nam trong năm nay, chúng tôi đang tập trung vào giai đoạn hợp tác tiếp theo để biến các cơ hội của cuộc cách mạng kỹ thuật số thành hiện thực”, Đại sứ Úc khẳng định.
OTC đã lắp đặt trạm mặt đất vệ tinh Vista đầu tiên của Việt Nam tại TP.HCM vào năm 1987, kết nối tới Úc. Điều này cho phép thực hiện đồng thời tối đa 5 cuộc gọi quốc tế, cải thiện chất lượng và dung lượng so với các liên kết vô tuyến hạn chế tại thời điểm đó.
Các trạm mặt đất vệ tinh bổ sung và quy mô lớn hơn lần đầu tiên được lắp đặt tại Hà Nội, sau đó phủ khắp cả nước, và các Trung tâm Viễn thông quốc tế cũng được thành lập ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Đầu năm 1989, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Gareth Evans AO tới thăm Hà Nội và thực hiện cuộc gọi đầu tiên qua đường truyền vệ tinh mới từ Hà Nội tới đồng nghiệp của ông là quyền Bộ trưởng Viễn thông Bob Brown, tại Úc. Tiếp theo đó, OTC đã lắp đặt các trạm thu vệ tinh mới lớn hơn ở TP.HCM và Hà Nội, giúp cho công suất và dịch vụ cung cấp qua mạng Intelsat gia tăng đáng kể.
Trong suốt những năm 1990, với những đổi mới về công nghệ, quan hệ hợp tác đã có thêm nhiều dấu mốc quan trọng. Thiết bị kết nối internet đầu tiên được GS ĐH Quốc gia Úc Rob Hurle mang đến Việt Nam vào năm 1991. Úc cũng tham gia vào dự án cáp ngầm đầu tiên của Việt Nam đặt tại Vũng Tàu vào năm 1999. Tuyến cáp này cho phép thực hiện đồng thời 15.000 cuộc gọi quốc tế, cùng với các dịch vụ video và dữ liệu tốc độ cao quốc tế. Tuyến cáp ngầm thứ hai được lắp đặt năm 2000 tại Đà Nẵng và hoạt động cho đến nay.
Ngoài cơ sở hạ tầng, quan hệ đối tác còn tập trung phát triển nguồn nhân lực. OTC/Telstra đã hỗ trợ chương trình đào tạo cho hơn 3.000 kỹ thuật viên, kỹ sư, cán bộ quản lý tài chính và tiếp thị trong ngành viễn thông tại Việt Nam.