Việt Nam là thị trường có tiềm năng tăng trưởng cho các sản phẩm của Ba Lan và doanh nghiệp Ba Lan mong muốn hợp tác để tìm kiếm cơ hội phát triển.
Kết nối các tuyến vận chuyển mới giữa Ba Lan – Việt Nam để thúc đẩy hợp tác kinh tế
Việt Nam và Ba Lan là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Đặc biệt, hai nước đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan (4/2/1950 – 4/2/2025). Trong thời gian qua, quan hệ song phương Việt Nam – Ba Lan không ngừng được củng cố trên mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ thương mại và đầu tư.
Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan năm 2023 đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 5,9% so với năm 2022). Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt trên 2,4 tỷ USD (tăng 7%) và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt khoảng 374 triệu USD (giảm 0,4%). 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương gữa hai nước đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt trên 2,5 tỷ USD (tăng 24,3%) và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đạt trên 321 triệu USD (tăng 5%).
Hội nghị giao thương Việt Nam – Ba Lan tổ chức ngày 28/11 tại TP. Hồ Chí Minh |
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM), quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam và Ba Lan vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng quan hệ hai bên. Do vậy, hai nước đã nhất trí sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới. Theo đó, hai quốc gia đều có biển vì vậy, việc phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông vận tải đường biển có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi nước, cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Phát biểu tại Hội nghị giao thương Việt Nam – Ba Lan, do VCCI-HCM cùng Cục Xúc tiến đầu tư và Thương mại Ba Lan, Cảng vụ Gdańsk (Ba Lan) tổ chức ngày 28/11, ông Liêm nói rằng, kết nối trực tiếp giữa Ba Lan và Việt Nam sẽ giúp giảm thời gian, chi phí vận chuyển, hợp lý hóa dòng hàng hóa Việt Nam vào châu Âu và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Ba Lan sang thị trường tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam. Sự phát triển này được thiết lập để làm sâu sắc hơn nữa thương mại song phương và củng cố quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ba Lan.
“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã tìm hiểu và thiết lập tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Việt Nam sang Ba Lan và ngược lại. Tuy nhiên, sự phát triển ấy vẫn còn xa so với tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Vì vậy, chuyến công tác của Đoàn Cảng vụ Gdansk sang Việt Nam mới đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển, hậu cần, giao nhận, vận tải, thương mại xuất nhập khẩu… cập nhật thông tin thị trường, trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm đề tìm kiếm cơ hội hợp tác mới” – ông Liêm cho biết.
Tăng cường quan hệ kinh tế
Theo bà Dorota Pyć – Giám đốc điều hành Cảng vụ Gdańsk, Ba Lan và Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao hơn 70 năm. Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước đã tăng lên. Thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam đạt đến tầm cao mới vào năm ngoái, với tiềm năng tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn. “Chúng tôi mong muốn tăng cường và mở rộng hợp tác, mang đến cho các công ty Việt Nam những cơ hội mới để tiếp cận thị trường châu Âu thông qua cảng Gdańsk. Với vị trí chiến lược tương ứng của chúng tôi, cảng Gdańsk có thể đóng vai trò là điểm nhập cảnh lý tưởng cho hàng hóa Việt Nam vào châu Âu và là cửa ngõ cho các sản phẩm Ba Lan và châu Âu vào Việt Nam” – bà Dorota Pyć cho biết.
Doanh nghiệp hai nước tham dự sự kiện |
Theo đánh giá của doanh nghiệp hai nước, việc khởi động các kết nối tàu biển mới giữa cảng Gdańsk và Vũng Tàu vào tháng 2/2025 tới đánh dấu một kỷ nguyên mới trong hợp tác kinh tế Ba Lan – Việt Nam. Các dịch vụ MSC hàng tuần: BRITANNIA (hướng tây) và ALBATROS (hướng đông) cũng như các dịch vụ bổ sung hàng tuần do liên minh GEMINI điều hành sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả thương mại và quy mô giữa hai nước.
Như vậy, Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc tăng cường quan hệ thương mại với Ba Lan. “Việt Nam đang trở thành một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu, nhanh chóng mở rộng thị trường và được xếp hạng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng và doanh nghiệp Ba Lan đối với các sản phẩm Việt Nam nhấn mạnh triển vọng đầy hứa hẹn cho việc tiếp tục hợp tác kinh tế” – ông Arkadiusz Marchewka – Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan – cho biết.
Ba Lan cũng nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ban hành vào năm 2020 đã xóa bỏ hơn 99% thuế quan đối với hàng hóa thương mại. Các công ty Ba Lan hiện có thể tận dụng điều kiện thuận lợi để xuất khẩu các sản phẩm như cá, sữa, kem, hàng hóa chất và cả rượu mạnh, các sản phẩm thực phẩm chế biến trong những năm tới. Với điều này, họ có thể chuẩn bị cho sự tăng trưởng hơn nữa của xuất khẩu Ba Lan sang Việt Nam, trị giá khoảng 413 triệu USD vào năm 2023.
“Thị trường Việt Nam không chỉ là cơ hội mà còn là nhu cầu cần thiết cho các doanh nhân Ba Lan có khát vọng toàn cầu. Đây là thị trường mà các sản phẩm của Ba Lan có tiềm năng tăng trưởng to lớn và các đối tác sẵn sàng hợp tác”– ông Piotr Harasimowicz – Trưởng Văn phòng Ngoại thương của Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh – nhận định.
Cảng Gdańsk – cửa ngõ vào thị trường toàn cầu
Cảng Gdańsk, cảng biển lớn nhất Ba Lan, cam kết tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác ở châu Á. Vào ngày 28/11 năm 2024, “Hội nghị giao thương Việt Nam – Ba Lan (Business Mixer 2024) – sáng kiến do Cảng Gdańsk phối hợp với các đối tác tổ chức đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Việc tổ chức Business Mixer phù hợp với sứ mệnh của Cảng Gdańsk như một cửa ngõ ra thế giới cho các nhà xuất khẩu Ba Lan. Hợp tác với các thị trường châu Á, được khởi xướng thành công với các đối tác từ Hàn Quốc và Singapore, hiện đang tiến lên một tầm cao mới, tập trung vào Việt Nam – đối tác lớn nhất của Ba Lan trong ASEAN. “Chúng tôi đặt mục tiêu Business Mixer trở thành một nền tảng chiến lược cho các công ty Ba Lan có kế hoạch mở rộng hoạt động quốc tế của họ, đặc biệt là ở các thị trường châu Á” – Alan Aleksandrowicz – Phó Chủ tịch Cảng Gdańsk cho biết và khẳng định, đây là nơi các mối quan hệ kinh doanh phát triển thành các hợp đồng cụ thể và hợp tác lâu dài. Sáng kiến này phù hợp với sứ mệnh của cảng như một cửa ngõ cho các nhà xuất khẩu Ba Lan ra thị trường toàn cầu. Cùng với các kết nối vận tải biển mới, quan hệ đối tác được tăng cường đánh dấu bước tiếp theo trong mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam và Ba Lan. |
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-ba-lan-mong-muon-thiet-lap-cac-moi-quan-he-kinh-doanh-moi-tai-viet-nam-361397.html