Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh có 32 dự án của phụ nữ khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lụt, tổng thiệt hại ước tính gần 27 tỷ đồng.
Trong đó, các huyện Yên Phong, Tiên Du, thị xã Thuận Thành, mỗi đơn vị có 2 dự án; 5 dự án ở huyện Quế Võ, 7 dự án ở Lương Tài, 4 dự án ở thành phố Bắc Ninh và 10 dự án ở Gia Bình.
Các dự án bị thiệt hại nặng nề nhất chủ yếu thuộc ngành nông nghiệp, như các trang trại trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, nuôi trồng thủy sản.
Điển hình là: Dự án trồng cam hữu cơ, diện tích 36.000 m2 của chị Nguyễn Thị Lệ (xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành), hỏng 10.200 cây, tổng giá trị thiệt hại ước tính 6 tỷ đồng. Mô hình cá lồng trên sông của chị Nguyễn Thị Thủy (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài) thiệt hại hơn 4,3 tỷ đồng.
Mô hình sản xuất và gia công các mặt hàng từ hạt nhựa HDPE của chị Nguyễn Thị Thư (xã Bình Định, huyện Lương Tài), sập nhà xưởng, hỏng máy móc, ước tính thiệt hại 1 tỷ đồng.
Mô hình trồng cỏ, cây ăn quả kết hợp nuôi cá của chị Nguyễn Thị Hằng (phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh), hỏng 7.000 cây; 6.000 m2 cỏ Nhật, 10 ha ao cá bị ngập úng, thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng.
HTX nông nghiệp Anh Cường (xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành), tổng diện tích trang trại hơn 18.000 m2, mất khoảng 14 tấn cá thương phẩm chuẩn bị thu hoạch, 1000 con gà, vịt và cây ăn quả, tổng thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng…
Nhiều mô hình của phụ nữ Gia Bình bị thiệt hại nặng như: Mô hình của Vũ Thị Sử, xã Bình Dương, sập hơn 5.800 m2 nhà màng, 5,8 ha cây trồng, thiệt hại 1,6 tỷ đồng; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Lương Ngọc, của chị Nguyễn Thị Thúy, xã Lãng Ngâm, sập 7.600 m2 nhà màng; hỏng 24.500kg dưa, ước thiệt hại 1,68 tỷ đồng. Mô hình của chị Vũ Thị Thuận, xã Cao Đức, ảnh hưởng 2 ha thủy sản; 6 ha cây trồng, thiệt hại 1,5 tỷ đồng…
Ngoài việc thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả sau bão, các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân hỗ trợ sơ tán tài sản, thu hoạch, tiêu thụ nông sản, thủy sản với tinh thần trách nhiệm và sẻ chia. Qua thăm nắm tình hình cho thấy, cơ bản các dự án PNKN đều gặp rất nhiều khó khăn, áp lực, nhất là về vốn, lãi suất ngân hàng, gián đoạn sản xuất…
Chị em mong muốn các cấp, các ngành sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo động lực cho PNKN vực dậy, tái hoạt động và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bac-ninh-32-du-an-phu-nu-khoi-nghiep-bi-anh-huong-boi-bao-lut-20240918162010843.htm