3 yếu tố mà nhà báo Nguyễn Anh Tú nhắc đến đó là: Thứ nhất đó là cán bộ Hội chuyên trách phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm với tổ chức Hội; Thứ hai là hội viên phải tích cực, ủng hộ tham gia công tác Hội; Thứ ba là rất cần có sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ban, ngành ở Trung ương…
Người làm công tác Hội phải dành nhiều thời gian để “nhảy vào việc”
Phân tích sâu hơn về 3 yếu tố làm nên chất lượng hoạt động công tác Hội, nhà báo Nguyễn Anh Tú chia sẻ trước nhất là góc độ về cán bộ Hội chuyên trách là yếu tố hết sức quan trọng, bởi trong bối cảnh hiện nay, việc giới thiệu nhân sự tham gia công tác Hội rất khó khăn, nhiều người ngại tham gia công tác Hội chuyên trách vì thu nhập không hấp dẫn. Nếu còn ở độ tuổi lao động, ngoài khoản lương hàng tháng ra, cán bộ Hội không có thù lao khác, còn với người đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia công tác Hội chuyên trách thì được hưởng một khoản hỗ trợ nhỏ từ tổ chức Hội Nhà báo địa phương chi trả, nên sự lựa chọn tham gia công tác Hội đối với nhiều người là rất nan giải. Bên cạnh đó, người làm công tác Hội chuyên trách đòi hỏi phải có các phẩm chất nổi trội như: biết quy tụ hội viên, có phương thức và kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào của Hội, đặc biệt là phải dám dấn thân, nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động công tác Hội.
“Muốn có phong trào, người làm công tác Hội phải dành nhiều thời gian để “nhảy vào việc”, phải dám hy sinh nhiều công việc của cá nhân và gia đình, thậm chí phải sử dụng cả mối quan hệ cá nhân để huy động các nguồn lực, phục vụ công tác Hội. Xuân thu, nhị kỳ, Hội Nhà báo các địa phương tham gia nhiều hoạt động, phong trào văn hóa, thể thao, xã hội của địa phương, tham gia các cuộc thi báo chí do Trung ương và địa phương phát động, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm, hội thảo, kết hợp đi sáng tác và hoạt động xã hội, từ thiện. Bên cạnh đó còn phải dành nhiều thời gian để giải quyết văn bản, trong khi việc bố trí biên chế lao động tại Hội Nhà báo địa phương là rất hạn chế. Người làm công tác Hội phải xác định rõ như vậy, dám cháy hết mình thì mới yên tâm tham gia công tác Hội được…” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Hải Phòng nhấn mạnh.
Với thực tế hoạt động tại Hội Nhà báo TP. Hải Phòng hiện nay được bố trí 02 biên chế hưởng lương ngân sách, trong khi Hội Nhà báo TP. Hải Phòng có tới 400 hội viên công tác tại các cơ quan đài, báo của thành phố, chưa kể gần 100 hội viên là phóng viên của 48 cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh bạn có văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại Hải Phòng. “Cơ quan Hội Nhà báo TP. Hải Phòng là tổ chức chính trị xã hội, hằng ngày chúng tôi tiếp nhận khá nhiều văn bản của thành phố và Trung ương chỉ đạo, vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi cũng phải hết sức nêu cao nỗ lực” – ông Tú cho hay.
Trong vấn đề này, nhà báo Anh Tú cũng chia sẻ thẳng thắn, cụ thể công việc tại Hội Nhà báo TP. Hải Phòng. Với nhân lực làm công tác Hội mỏng nên một mặt, ban lãnh đạo Hội phải nêu cao sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ, Thường trực, Ban Chấp hành và cán bộ cơ quan Văn phòng Hội, chấp hành tốt Quy chế hoạt động của Ban chấp hành; Quy chế làm việc của cơ quan Hội, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đối với từng vị trí cán bộ. Mỗi khi có công việc gấp, quan trọng, Thường trực Hội trao đổi trực tiếp, sau đó lấy ý kiến các Ủy viên Ban Chấp hành để ban hành văn bản, hoặc triển khai công việc bảo đảm dân chủ, thống nhất cao trong toàn cấp Hội… Mặt khác, cán bộ Hội chuyên trách cần phải “cháy hết mình” trước công việc được giao, không ngại khó, ngại khổ, biết vận dụng linh hoạt các mối quan hệ để tổ chức sân chơi cho hội viên…
Trách nhiệm từ hội viên và sự quan tâm của cấp lãnh đạo
Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm nay, nhà báo Anh Tú cho rằng, yếu tố thứ hai để nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội là đối với hội viên rất cần có sự tự giác, nêu cao trách nhiệm, nhiệt tình ủng hộ các phong trào và các công việc của Hội Nhà báo. Ông Tú cũng băn khoăn rằng, đây là yếu tố quan trọng, nhưng không dễ dàng thực hiện, bởi hầu hết các hội viên nhà báo đều là phóng viên của các cơ quan báo đài, bản thân anh em phải ưu tiên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, sau đó mới dành thời gian cho hoạt động của Hội. Và dĩ nhiên, thách thức là nếu hội viên các cơ quan báo chí không ủng hộ thì Hội Nhà báo địa phương khó lòng hoàn thành nhiệm vụ! Khi triển khai các cuộc thi báo chí, phong trào văn hóa – xã hội – thể thao mà không có lực lượng tham gia, coi như thất bại. Trong khi thu nhập, đời sống của anh em hội viên, phóng viên phụ thuộc do cơ quan báo chí chi trả. Nếu hội viên không mặn mà với hoạt động của Hội, chưa thấy rõ vai trò của tổ chức Hội, thì việc huy động hội viên tham gia các phong trào của Hội cũng hết sức nan giải.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng còn cho rằng, với 2 yếu tố trên thì vẫn cần có yếu tố thứ ba – chính là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các cơ quan của Trung ương. Ông đơn cử ở địa phương, thời gian qua, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã có những quan tâm rất cụ thể đối với Hội Nhà báo TP. Hải Phòng. Thành phố đã quan tâm mời lãnh đạo Hội dự các sự kiện như: Đại hội Đảng bộ thành phố; Họp Phiên thường kỳ hằng tháng do UBND thành phố tổ chức; Các Kỳ họp của HĐND thành phố; Tham gia Hội nghị báo cáo viên hàng tháng do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức… Thông qua các sự kiện trên, lãnh đạo Hội có được thông tin chuẩn xác về tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của thành phố để thực hiện tốt chức năng giám sát báo chí.
Ngoài ra, thành phố tin tưởng vào đội ngũ cán bộ Hội Nhà báo, giao dự thảo nhiều văn bản liên quan đến hoạt động báo chí, công tác Hội và các lĩnh vực quan trọng khác liên quan đến tuyên truyền quảng bá hình ảnh thành phố. Tham gia xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan tới báo chí và dư luận xã hội…
Đặc biệt, trong 02 năm vừa qua, UBND thành phố đã quan tâm bố trí kinh phí để Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cải tạo, nâng cấp trụ sở cơ quan Hội khang trang, bảo đảm điều kiện làm việc và tổ chức các sự kiện, nhằm giúp xây dựng Hội Nhà báo TP. Hải Phòng trở thành mái nhà chung của các hội viên nhà báo đang hoạt động ở thành phố Cảng. Đây là nguồn cổ vũ ý nghĩa và rất quan trọng để Hội Nhà báo TP. Hải Phòng tổ chức tốt các hoạt động của mình.
Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cũng nhận được sự quan tâm to lớn và thường xuyên của Hội Nhà báo Việt Nam trong chỉ đạo, lãnh đạo để Hội Nhà báo địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động của Trung ương Hội như: tiếp và làm việc với Đoàn lãnh đạo cấp cao Hội Nhà báo Lào, tham gia Giải Bóng đá Press Cup tại Quảng Ninh, Giải Bóng bàn tại Hà Nội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ về những mong muốn dưới góc độ là một người làm công tác Hội nhiều năm kinh nghiệm, nhà báo Anh Tú mong muốn rằng, Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ tài chính trong việc định biên số cán bộ Hội được hưởng lương từ ngân sách. Ví dụ Hội Nhà báo cấp tỉnh, thành phố có 100 hội viên thì được bố trí bao nhiêu biên chế, 200 hội viên thì được bố trí bao nhiêu biên chế?
Được biết, đến nay Bộ Nội vụ vẫn chưa có thông báo mới về việc bố trí biên chế cho các Hội Nhà báo địa phương. Thứ hai là để nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội, ông đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để các hội viên nhà báo tham gia các hoạt động do Hội tổ chức như: tập huấn nghiệp vụ, tọa đàm, hội thảo cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội từ thiện… Thứ ba là, để động viên Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm cho tăng thêm số đơn vị được khen thưởng trong các cụm thi đua hằng năm…
Sông Mây