(Dân trí) – Là một người ưa mạo hiểm, Lê Hồ Uy Di (31 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đã đăng kí khám phá hang động dài gần 3.000m trong 3 ngày. Chuyến đi mang tới cho cô gái trẻ nhiều trải nghiệm nhớ đời.
Rục Mòn là hang động sở hữu chiều dài 2.862m, chiều cao trần khoảng 300m kéo dài từ xã Trung Hóa đến xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Sở dĩ hang có cái tên đặc biệt này, bởi đây từng là nơi ở của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số Rục và Mòn (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Hang Rục Mòn nằm trong khu du lịch sinh thái của Quảng Bình, mới đưa vào khai thác từ năm 2017. Với kích thước khổng lồ của mình, để có thể khám phá hết thì du khách cần phải chọn hành trình trekking ít nhất 2 ngày một đêm (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Cuối tháng 11, Chị Lê Hồ Uy Di đã đăng ký tham gia khám phá hang trong vòng 3 ngày. Vì đã có kinh nghiệm trong bộ môn trekking ở vô vàn địa điểm nổi tiếng trên thế giới như Everest Base Camp (Nepal), Tây Bắc…, chị Di chỉ chuẩn bị 4 bộ đồ gọn nhẹ, chất liệu dễ khô và một đôi giày chuyên dụng để bắt đầu hành trình (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Ban đầu, để đến được cửa hàng, chị Di phải trải qua hành trình đi bộ dài 2km. Sau đó, chị đã đi qua những bức vách thẳng đứng bằng thang và dây bảo hộ. Đặc biệt, hang cách dòng sông nên những nhà thám hiểm phải bơi qua và luồng lách vào những góc hang chỉ vừa đủ cho 1 cơ thể người (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Đổi lại khó khăn, chị Di đã chiêm ngưỡng được kiệt tác thiên nhiên. Theo đó, bên trong hang hiện có những núi thạch nhũ cao 400m, được gọi là núi thạch nhũ Foggy, quanh năm phủ lớp sương mù dày đặc.
Đặc biệt, trên đỉnh núi còn có xác của một gia đình rắn đã chết, được người dân ở đây gọi là mộ rắn (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Ngoài ra, mọi người còn được trải nghiệm hoạt động bơi lội dưới những dòng nước trong xanh màu ngọc bích bên trong hang (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Một trải nghiệm nhớ đời của chị Di là khi ra khỏi hang, bình thường du khách sẽ đi bằng thang chuẩn bị sẵn. Thế nhưng, thời điểm chị Di đến thì thang đã bị nước lớn cuốn trôi, buộc chị phải nhảy tự do từ vách đá xuống dòng sông. Mặc dù biết bơi và có dây bảo hộ, chị Di vẫn sợ hãi (Ảnh: Khoa Chaudoc).
“Mọi người đã tập trung lại để làm tinh thần cho mình. Mãi đến lúc bạn hướng dẫn viên nắm tay cùng nhảy xuống, hoàn thành thử thách, tôi mới nhận thấy cảm giác khó tả, cứ thể thả trôi mình trên dòng nước”, chị Di nói (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Là một người trải nghiệm, chị Di chia sẻ niềm thích thú với thiên nhiên và văn hoá Việt Nam. Trong tương lai, chị vẫn mong muốn sở hữu nhiều chuyến đi để tận mắt nhìn thấy những khung cảnh kỳ vĩ nhất của Việt Nam (Ảnh: Khoa Chaudoc).
Dantri.com.vn