Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ hôm nay 30.8 cho hay, các bác sĩ vừa tiếp nhận bệnh nhân là 3 mẹ con nhập viện với cùng triệu chứng ngộ độc: nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài, sốt.
Theo thông tin từ gia đình các bệnh nhân, tại nhà, thấy trong vườn có nhiều nấm mọc dại hình thù giống nấm rơm, nghĩ là nấm lành ăn được nên chị N.T.N đã hái, xào và ăn cùng với 2 con (bé trai 11 tuổi và bé gái 5 tuổi). Khoảng 4 giờ sau ăn, cả 3 mẹ con cùng xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.
Tại bệnh viện, cả 3 mẹ con chị N. được chẩn đoán nhiễm độc thức ăn, theo dõi rối loạn điện giải. Sau 1 ngày được điều trị tích cực bằng truyền dịch, sử dụng kháng sinh, bù điện giải, bệnh nhân đã đỡ nôn, đỡ mất nước, tình trạng sức khỏe phục hồi, được xuất viện sau 2 ngày điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), đánh giá trường hợp trên khá may mắn vì các nạn nhân đều được đưa đến viện sớm ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Long, hiện tại đang là mùa mưa, các loại nấm phát triển mạnh nên nhiều người hái về nấu ăn. Để phân biệt nấm độc, người ta thường dựa vào màu sắc, mùi và hình dạng của nấm. Thông thường, nấm độc có màu sắc sặc sỡ, trên mũ nấm có đốm màu trắng, đen hoặc đỏ. Nếu ngửi thấy nấm có mùi thơm, khi ngắt có nhựa chảy ra thì đó là nấm độc không nên ăn.
Những loại nấm có phần gốc phình to giống củ hầu hết là nấm độc.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số loại nấm độc lại có màu sắc và hình dạng giống với nấm thường nên rất dễ gây nhầm lẫn. Do đó, người dân cần nhận biết và phân biệt được các loại nấm; nếu chưa rõ nguồn gốc, không biết loại nấm đó có độc hay không thì tốt nhất không nên ăn.
Các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp đã ăn nấm và thấy xuất hiện các biểu hiện ngộ độc như nôn nao, buồn nôn, nôn, đi ngoài, cần nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để đẩy bớt độc tố ra ngoài, đồng thời cần uống nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol; cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.