Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc điều chỉnh dự toán vay lại năm 2023 của các địa phương. Tổng dự toán vay của các địa phương năm 2023 được Quốc hội quyết định là 34.511,5 tỷ đồng. Trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.394,8 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8, có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt.
Cụ thể, có 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 349,344 tỷ đồng của các địa phương: Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ.
Sau khi rà soát, Bộ Tài chính thấy có thể xem xét bổ sung dự toán cho các địa phương này trên nguyên tắc các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo giải ngân toàn bộ dự toán vốn vay lại được giao bổ sung.
Tuy nhiên, có tới 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 5.565,149 tỷ đồng, gồm An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đăk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP.HCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.
Bộ Tài chính cho hay việc điều chỉnh mức vay của từng địa phương năm 2023 cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Cơ quan này đánh giá việc giảm kế hoạch vốn vay lại sẽ làm giảm bội chi ngân sách địa phương và giảm bội chi chung.
Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ chấp thuận việc tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2023 của 6 địa phương là Bình Định (31,248 tỷ đồng), Hà Nội (221,693 tỷ đồng) Hải Dương (50,2 tỷ đồng), Hải Phòng (25,7 tỷ đồng), Nam Định (13,154 tỷ đồng), Phú Thọ (7,349 tỷ đồng).
Đồng thời, giảm dự toán của 27 địa phương với tổng mức giảm là 5.565,149 tỷ đồng.
Để giảm thiểu tình trạng cắt giảm dự toán vốn vay lại nhiều như hiện nay, Bộ Tài chính góp ý các địa phương điều chỉnh giảm dự toán với số lượng lớn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lập dự toán vốn vay lại, đảm bảo dự toán sát với khả năng triển khai thực tế của các dự án, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án, các hạng mục không có khả năng giải ngân trong năm.