Sống cách nhau 1.700km, Thảo và Hải có điểm chung khi là nữ giới duy nhất theo nghề lái tàu metro trong thành phố của mình.
“Dịch Covid-19 đưa em đến với nghề”
Ở tuổi 28, Nguyễn Thị Hải vẫn đang chờ đợi ngày làm việc đầu tiên của mình với tư cách một lái tàu metro.
Cô gái sống tại Chương Mỹ (Hà Nội) là nữ giới duy nhất trong nhóm 50 lái tàu được Công ty Hanoi Metro tuyển dụng cho nhiệm vụ vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.
Trong một ngày Hà Nội mưa phùn, nhiệt độ xuống 12 độ C, Hải choàng áo mưa, phóng xe máy hơn 30km từ nhà đến Depot Nhổn để “hội quân” với các đồng nghiệp. Cô cùng nhóm 50 lái tàu đang tham gia đợt huấn luyện cuối cùng trước ngày vận hành đoạn trên cao của metro Nhổn – Ga Hà Nội.
Trước khi lựa chọn công việc lái tàu metro, Hải từng tốt nghiệp cử nhân ngành sư phạm quốc phòng và đi dạy như một giảng viên trong 2 năm. Bước ngoặt đến vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và cô phải nghỉ dạy.
Sau vài tháng ở nhà nghỉ dịch, Hải đọc được thông báo tuyển dụng lái tàu của Công ty Hanoi Metro.
Bố của Hải, một nông dân đã cao tuổi, nói với cô: “Nếu con cảm thấy thích và đam mê thì con hãy chọn”.
Vượt qua vòng khám thể lực ngặt nghèo, Hải được TS Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro, trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng.
Vị giám đốc báo trước về đặc thù công việc nhiều áp lực nhưng cô gái vẫn quả quyết xin theo nghề.
“Gia đình rất ủng hộ em theo nghề. Em tin người chồng tương lai của em cũng sẽ ủng hộ”, nữ lái tàu chia sẻ.
Cô xác định công việc của một lái tàu metro sẽ là “đi sớm, về khuya”. Tại depot (ga trung tâm), các lái tàu có ký túc xá để ngủ lại sau ca làm khuya hoặc ngủ từ đêm hôm trước để sáng lên tuyến sớm.
Trong 3 năm, Hải vừa học nghề, vừa chờ đợi tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội hoàn tất thi công. Đến nay, cô hoàn toàn tự tin vào khả năng làm chủ buồng lái của mình.
Với kíp lái chỉ có 1 người, Hải sẽ phải đảm trách mọi việc, từ dừng đỗ tàu đúng vị trí cho đến xử trí các tình huống khẩn nguy, tổ chức sơ tán hành khách khi có hỏa hoạn.
Bước sang năm 2024, cô và các đồng nghiệp không khỏi háo hức khi lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội sẽ vận hành đoạn trên cao vào giữa năm nay.
“Mình nghĩ nữ lái tàu trông rất ngầu”
Sự nghiệp của một phụ nữ sẽ rẽ sang hướng nào khi cô ấy kết thúc 10 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ?
Đối với Phạm Thị Thu Thảo (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), đó là lựa chọn trở thành một lái tàu metro.
Những ngày đầu tháng 3, TPHCM trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm. Thảo đội nắng đến điểm hẹn ở ga Tân Cảng. Buổi thực hành dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Hitachi (Nhà thầu Nhật Bản) khiến cô hồi hộp. Hôm nay cô được một mình điều khiển buồng lái.
“Hình ảnh nữ kỹ thuật viên lái tàu điện ở nước ngoài vừa ‘ngầu’ vừa hay hay. Lúc nhìn thấy, mình đột nhiên muốn được trở thành họ”, Thảo nói về lý do chuyển hướng nghề nghiệp của mình.
Ngã rẽ nghề nghiệp cũng biến cô trở thành nữ học viên lái tàu metro đầu tiên của tuyến Bến Thành – Suối Tiên và của cả TPHCM. 57 lái tàu còn lại đều là nam giới.
Sau khi được Công ty metro số 1 TPHCM tuyển dụng, Thảo trải qua chương trình trung cấp lái tàu điện của trường Cao đẳng Đường sắt. Cô cũng từng ra Hà Nội để học chuyển giao kinh nghiệm từ đội ngũ vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông.
4 năm học lái tàu cũng là từng đó thời gian cô làm quen với môi trường làm việc chỉ có máy móc và đàn ông. Nó khác biệt hoàn toàn với không gian của một lớp mầm non với trẻ nhỏ và những bài hát.
Cô cho biết khó khăn nhất của người lái tàu metro là đưa đoàn tàu dừng, đỗ khớp đúng vị trí. Với đặc thù sân ga có cửa chắn như tuyến metro số 1, điểm dừng tàu phải chuẩn đến từng cm.
“Từ nay đến lúc khai thác thương mại, còn một phần thực hành sẽ được chuyên gia Nhật Bản đào tạo trong thời gian tới”, nữ lái tàu nói.
Tháng 7 năm nay, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TPHCM sẽ chính thức vận hành. Ước mơ được làm chủ khoang lái, hàng ngày đưa hàng trăm người dân thành phố trên đoàn tàu hiện đại, văn minh của Thảo sắp thành sự thật.
Điều khiển phương tiện cơ giới vốn là công việc bị áp đảo bởi đàn ông. Điều này đúng với xe khách, máy bay, thuyền bè và dĩ nhiên, cả tàu điện.
Là nữ giới duy nhất trong đội lái tàu 50-60 người, Hải và Thảo chỉ đại diện cho 2% thiểu số.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo doanh nghiệp metro của Hà Nội và TPHCM tin tưởng trao công việc lái tàu vào tay 2 cô gái cho thấy cánh cửa vẫn mở với những ứng viên nữ tiếp theo.
Tại một số đô thị, như Melbourne của Australia, tỷ lệ lái tàu nữ trên các tuyến metro đã tăng từ 12% trong năm 2009 lên 30% vào năm 2022.
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/2-nu-lai-tau-metro-duy-nhat-cua-ha-noi-va-tphcm-20240307221525621.htm
Theo Dân trí