Với mong muốn hỗ trợ cho công nhân tiếp cận với nhà ở có thể đáp ứng các tiện nghi sinh hoạt cơ bản, sáng 24/9, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân – Từ thực tiễn đến chính sách”.
Nhà ở công nhân mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân. Hiện nay có khoảng 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Không chỉ nội thành mà ở nhiều làng quê cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, chung cư mini cũng mọc lên như nấm phục vụ chỗ ở cho sinh viên, người lao động.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XIII đánh giá chung cư mini nở rộ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và nhiều khu công nghiệp khác là chuyện dễ hiểu.
“Quy luật của thị trường là “có cầu ắt có cung”, đặc biệt là nhu cầu của những người lao động nghèo đến các thành phố lớn làm ăn, sinh sống ngày một tăng”, bà An nhận định.
Lý giải nguyên nhân các khu chung cư mini, nhà ở cho thuê phát triển ở khu vực ngoại thành, bà An cho rằng, đây là khu vực có khu công nghiệp, nhiều người lao động, sinh viên đến thuê hoặc mua để ở.
Ngoài ra, chi phí để mua hoặc thuê một căn nhà ở trong khu vực nội thành sẽ đắt gấp nhiều lần so với khu vực ngoại thành.
“Ngoài vấn đề về giá cả, đôi khi, người mua lẫn người bán có thể dễ dàng “lách luật” khi chọn ở khu vực ngoại thành. Nhà ở không chỉ đơn giản là một nơi trú ngụ mà còn là nơi “an cư”, tức là một chỗ ở ổn định, an toàn, bình yên”, bà An thẳng thắn nhận xét.
Bà An chia sẻ thêm, việc thiếu nhà ở gần khu công nghiệp, công nhân, người lao động phải tìm thuê và mua những căn hộ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh sống; tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
“Nhà ở cho công nhân không thể lụp xụp mãi được”
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Đặng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G khi đề cập đến vấn đề xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân.
“Đây là vấn đề rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho công nhân hiện nay. Nhà ở cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, không thể lụp xụp mãi được.
Công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên cũng phải tạo môi trường, nơi ở đảm bảo môi trường sống cho công nhân”, ông Đặng nói.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – khẳng định: “Cũng như việc đầu tư xây dựng các công trình chung cư, nhà trọ của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng này cũng là hợp pháp và được khuyến khích”, ông Hà cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện 70% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sống trong những khu nhà trọ người dân tự xây. Trong khi đó Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp lớn thì tập trung xây dựng các dự án lớn, những chung cư cao cấp.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải quản lý như thế nào để các nhà chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ được xây dựng và quản lý vận hành đúng quy hoạch, an toàn về mặt kết cấu, đặc biệt an toàn về phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng.
Trong đó có việc tăng cường quản lý từ khâu cấp phép xây dựng, trong quá trình xây dựng đến quản lý vận hành. Nếu quản lý tốt quy hoạch sẽ hạn chế hậu quả khi xảy ra cháy nổ.
Đối với những công trình chung cư quy mô nhỏ, nhà trọ thì các hộ gia đình phải đăng ký kinh doanh, có nộp thuế và đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy.
“Việc quản lý nên giao cho phường và quận, và tạo nguồn thu từ các công trình này để phục vụ cho công tác quản lý. Nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ khắc phục được các nguy cơ cháy nổ”, ông Hà nêu quan điểm.