Mùa cao điểm mua sắm cuối năm đã bắt đầu khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn nhằm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết sắp tới.
Mùa mua sắm giảm giá cuối năm – với sự kiện Black Friday (ngày 29-11) là tâm điểm – đang đến gần. Các nhà bán lẻ, từ siêu thị, cửa hàng đến các sàn thương mại điện tử, đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của khách hàng.
Sôi động từ chợ đến sàn
Theo ghi nhận tại TP HCM một tuần trước Black Friday, các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, WinMart/WinMart+, MM Mega Market… đồng loạt triển khai nhiều chương trình giảm giá lớn.
Saigon Co.op, với mạng lưới hơn 800 điểm bán, áp dụng giảm giá từ 50% trở lên cho tất cả ngành hàng như rau củ, thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng. Trong đó, chương trình “10 ngày vàng – sắm thả ga” diễn ra từ ngày 2 đến 30-11, kết hợp với các ưu đãi như giảm giá những mặt hàng gia dụng thiết yếu, bên cạnh chương trình “Đi chợ đồng giá 10.000 đồng” và “Giá sốc giảm tận gốc”.
Hệ thống WinMart/WinMart+ giảm giá đến 50% với hàng ngàn mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng, kèm ưu đãi “Mua 1 tặng 1” hoặc “Chỉ 10.000 đồng” cho một số sản phẩm. Tương tự, MM Mega Market mang đến chính sách “Mua càng nhiều – Giá càng rẻ”, giảm giá sâu cho khách hàng doanh nghiệp (DN) đặt mua hàng Tết sớm.
Không kém phần sôi động, các trung tâm thương mại như Vincom, Giga Mall, Vạn Hạnh Mall, Diamond Plaza… cũng triển khai chương trình giảm giá lớn từ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, giày dép và phụ kiện. Nhiều cửa hàng đã gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng thành viên, hứa hẹn mức giá giảm sâu cùng quà tặng hấp dẫn.
Trên mạng xã hội, các thương hiệu nổi tiếng cũng rầm rộ quảng bá. Chẳng hạn, thương hiệu thời trang J. giảm giá đến 70% cho hơn 1.000 sản phẩm, đồng giá 110.000 – 333.000 đồng. Trong khi đó, các hãng đồ gia dụng lớn tung ưu đãi đặc biệt, tặng thêm mã giảm giá cho đơn hàng giá trị cao.
Trên các sàn thương mại điện tử, Shopee dẫn đầu với nhiều chương trình giảm giá sâu, như miễn phí vận chuyển, voucher lên đến 1 triệu đồng và trợ giá 50% cho các sản phẩm trên Shopee Video. Chương trình “Shopee chung tay cùng hàng Việt” phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12, giới thiệu các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao kèm ưu đãi lớn.
Trên TikTok Shop, những buổi livestream bán hàng cũng thu hút lượng lớn khách xem nhờ các chương trình giảm giá “sập sàn” tới 70%. Trong đó, tài khoản T.M (1,1 triệu người theo dõi) livestream bán nước hoa giảm giá 10% – 20%, thu hút hơn 3.000 lượt xem cùng lúc.
Lazada sẽ triển khai chương trình Black Friday kéo dài từ ngày 25-11 đến 2-12 với nhiều ưu đãi nổi bật: giảm giá lên đến 50%, miễn phí vận chuyển hoàn toàn và voucher trị giá tới 400.000 đồng. Riêng Tiki hiện vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ như các sàn khác.
Theo ghi nhận, không khí mua sắm nhộn nhịp không chỉ đến từ các nhà bán lẻ mà còn lan tỏa trong cộng đồng người tiêu dùng. Giới văn phòng và khách hàng trẻ đã bắt đầu chia sẻ với nhau kinh nghiệm săn sale, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao với giá ưu đãi. Các từ khóa như “bí quyết săn sale Black Friday” hay “săn sale hiệu quả” đang được tìm kiếm nhiều trên Google.
Bà Hồ Hồng Đào, quyền Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho rằng Black Friday không chỉ là dịp để tăng doanh số mà còn là cơ hội để đo lường sức mua của thị trường. Kết quả từ các chương trình khuyến mãi này sẽ giúp DN điều chỉnh chiến lược kịp thời cho mùa mua sắm Tết. “Đây cũng là cơ hội để Saigon Co.op khẳng định vị thế của mình, mang đến khách hàng những trải nghiệm mua sắm dịp cuối năm” – bà nhấn mạnh.
Coi chừng mua rẻ hóa đắt!
Trong khi nhiều người háo hức với các chương trình ưu đãi, giảm giá cuối năm, cũng có không ít người nghi ngại do thường xuyên gặp phải tình trạng “khuyến mãi ảo” khiến họ cảm thấy mua hớ dù đã tính toán kỹ lưỡng.
Chị Trần Thị Hồng (quận Tân Phú, TP HCM) chia sẻ về trải nghiệm không mấy vui vẻ trong đợt khuyến mãi 11-11. Sau khi theo dõi một KOL (người ảnh hưởng trên mạng xã hội) quảng bá sản phẩm với mức giảm giá “thấp nhất thị trường” còn hơn 800.000 đồng, chị quyết định mua ngay nhưng không kịp “săn” giá tốt.
Tiếc công chờ đợi, chị đành mua với giá hơn 900.000 đồng vì nghĩ vẫn rẻ hơn tại cửa hàng. Tuy nhiên, ngay hôm sau, chị lại thấy cùng sản phẩm đó trên một livestream khác của hệ thống bán lẻ quen thuộc với giá chưa đến 800.000 đồng, đi kèm dịch vụ giao hàng nhanh chóng.
Càng thất vọng hơn khi đơn hàng từ kênh của KOL bị giao trễ, chị Hồng không thể hủy do hàng đã trên đường vận chuyển. Dù từ chối nhận hàng để trả lại, chị vẫn lo lắng về thời gian hoàn tiền.
Anh Vũ Võ Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng gặp tình huống tương tự. Trong đợt 11-11, anh mua nhiều sản phẩm từ thương hiệu thời trang yêu thích với mức khuyến mãi 15% – 39%. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, thương hiệu này lại tung chương trình “sale lớn nhất năm” dịp Black Friday, với ưu đãi giảm giá lên đến 50%. Anh Hà bày tỏ cảm giác tiếc nuối vì đã mua vội: “Cứ nghĩ mua được giá tốt, hóa ra lại đắt. Lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm, mua theo nhu cầu, không lo hết hàng khuyến mãi nữa”.
Đại diện một DN cho biết biên độ lợi nhuận trong sản xuất không cao nhưng người tiêu dùng thường kỳ vọng mức giảm giá sâu. Vì vậy, các DN buộc phải đưa ra giá niêm yết cao hơn để tạo cảm giác “hời” cho khách hàng khi áp dụng khuyến mãi. “Những sản phẩm giảm giá mạnh thường là hàng xả kho hoặc có lỗi nhẹ. Với các mặt hàng khác, nếu có giảm giá so với ngày thường thì DN đã phải hy sinh một phần lợi nhuận” – người này giải thích.
DN này cũng nhấn mạnh thay vì chỉ tập trung vào tỉ lệ phần trăm khuyến mãi, người tiêu dùng nên chú ý số tiền thực sự tiết kiệm được khi mua hàng, để bảo đảm giá trị mua sắm đúng với nhu cầu.
Với góc nhìn của một chuyên gia thương mại điện tử, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan, nhận xét phần lớn các chương trình khuyến mãi hiện nay là thật nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng. Ông cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đang dần “lờn” với các thông điệp khuyến mãi. Bởi lẽ, trong năm có quá nhiều sự kiện giảm giá, từ ngày đôi, ngày giữa tháng đến các dịp lễ; thay vì tập trung chủ yếu vào cuối năm như trước đây.
Để tránh rơi vào bẫy “khuyến mãi ảo,” ông Tấn khuyến nghị người tiêu dùng nên chọn mua từ các nhà bán hàng hoặc DN uy tín, có thương hiệu và được đánh giá tốt. Người tiêu dùng cần so sánh giá sản phẩm tương tự từ các nguồn bán khác trước khi quyết định mua.
“Khuyến mãi ảo” không chỉ gây lo lắng cho người tiêu dùng mà còn là vấn đề mà các “chiến thần livestream” phải đối mặt. Phạm Thoại, một trong những người livestream nổi tiếng, tiết lộ ê-kíp của anh luôn kiểm tra giá sản phẩm trên tất cả các sàn trước khi phát sóng để bảo đảm giá thật. Trước mỗi phiên livestream, các sản phẩm cũng được công bố giá trước để người tiêu dùng tự đánh giá mức độ ưu đãi.
Giám sát chặt hoạt động khuyến mãi
Về giải pháp quản lý khuyến mãi, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết theo Nghị định 128/2024 (sửa đổi Nghị định 81/2018), từ ngày 1-12, DN, cửa hàng khi thực hiện khuyến mãi không cần thông báo trước với cơ quan quản lý nhà nước.
Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, giúp DN linh hoạt triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có khuyến mãi. Tuy nhiên, quy định mới cũng đặt ra thách thức trong việc giám sát, khi cơ quan quản lý không còn nắm được toàn bộ hoạt động khuyến mãi trên địa bàn. Theo đại diện Sở Công Thương, thay vì dành nhiều thời gian xử lý thủ tục hành chính, cơ quan này sẽ tập trung tăng cường hậu kiểm, nhằm bảo đảm DN tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhon-nhip-khuyen-mai-cuoi-nam-196241122204141049.htm