Ngày 25/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nghề nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi biển Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi biển, cũng như gỡ nút thắt xuất khẩu tôm hùm bông.
Người nuôi tôm hùm bông “khóc ròng”
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vân Phong, cho hay, người nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hòa đang rơi vào cảnh vô cùng khó khăn sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu.
“Từ tháng 8 đến nay, khoảng 100 tấn tôm hùm bông của hợp tác xã không bán được, khiến chúng tôi đứng ngồi không yên”, ông Thái chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, hộ nuôi trồng thủy sản lớn tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng phải kêu cứu khẩn cấp khi tôm hùm bông không xuất khẩu được.
“Bây giờ không xuất khẩu được, người dân hết tiền để mua thức ăn cho tôm. Đi vay bên ngoài với lãi suất cao cũng không được. Bởi, tôm không xuất bán được nên không ai dám cho vay”, bà Quyên nói.
Không chỉ tại Khánh Hòa mà các vùng nuôi tôm hùm bông ở Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận cũng rơi vào cảnh vắng người mua.
Ông Lê Nguyên Quốc, phường Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên), cho biết gia đình thả nuôi 50 lồng tôm hùm bông, với 150 con/lồng; thời gian bắt đầu thả nuôi từ tháng 11/2022, vốn đầu tư con giống, thức ăn đến nay khoảng 2-3 tỷ đồng, nhưng đến kỳ xuất bán lại không có người mua.
“Thị trường Trung Quốc ngưng thu mua, khiến giá tôm hùm bông giảm sâu. Với số tôm hiện tại, tôi ước tính thua lỗ gần 1 tỷ đồng”, anh Quốc chia sẻ.
Theo người nuôi này, thời điểm trước tháng 8, tôm hùm bông có giá 1,7-1,8 triệu đồng/kg, nay chỉ còn 1-1,1 triệu đồng/kg đối với tôm loại 1, còn tôm loại 2 có giá dưới 1 triệu đồng.
Xuất khẩu tôm hùm vào Trung Quốc sụt giảm
Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin, Trung Quốc chiếm 98-99% thị phần tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam; các thị trường khác chỉ chiếm 1-2%. Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân khiến tôm hùm bông ế hàng là do tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cập nhật danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ và tôm hùm bông nằm trong danh sách này.
Đến tháng 8, việc xuất khẩu tôm hùm bông qua Trung Quốc bị ngưng trệ do hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.
Cụ thể, Trung Quốc không nhập khẩu tôm hùm bông khai thác tự nhiên, chỉ nhập khẩu tôm hùm bông nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu con giống được khai thác từ tự nhiên đưa vào nuôi cũng bị xem là sản phẩm tôm hùm tự nhiên.
Hiện Cục thủy sản đang trao đổi với Cục Ngư nghiệp Trung Quốc để làm rõ thêm danh mục đối tượng thủy sản quý hiếm, nguy cấp, phương thức kiểm soát của phía Trung Quốc để hướng dẫn vấn đề tôm hùm bông và chủ động với các loài thủy hải sản thuộc danh mục.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết các bộ, ngành Trung ương đang tiến hành trao đổi song phương với Trung Quốc để tìm đầu ra cho con tôm hùm bông.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thủy sản; chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn kiểm soát chặt việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm, đặc biệt các cơ sở xuất khẩu tôm hùm bông.