Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, UBTVQH và Quốc hội ban hành đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN.
Ước tính các gói hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới 200.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024. Điều này cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu thông qua việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu lớn để quản lý thu, quản trị rủi ro, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, hoàn thuế giá trị tăng, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu cho NSNN.
Nhờ đó, ước thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán; dù số thuế miễn giảm nhưng thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9 – 10% so với dự toán Quốc hội giao. Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt thu so với dự toán.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, tham mưu Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách các cấp.
Trong năm 2023, chúng ta đã cân đối, đảm bảo nguồn lực thực hiện nâng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 21%) từ ngày 1/7/2023. Việc này vô cùng ý nghĩa do 3 năm qua trước tác động của dịch Covid-19, kinh tế tài chính ngân sách còn khó khăn lại phải dồn sức cho phòng chống dịch nên chưa thực hiện cải cách tiền lương được, vì vậy đời sống một bộ phận cán bộ công chức gặp khó khăn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để năm 2024 chúng ta tiếp tục thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Vốn đầu tư công được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh tình hình trong nước cũng như thế giới có nhiều biến động, nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được đưa vào nền kinh tế nhiều nhất trong các năm vừa qua với 711.684 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2022. Nếu tính số tuyệt đối thì số vốn giải ngân so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 122.000 tỷ đồng. Trong đó phần lớn nguồn vốn được tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, liên kết vùng, đường ven biển, Chương trình mục tiêu quốc gia.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua chưa được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong đó, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất một số quy định pháp luật. Một số quy định của pháp luật cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn triển khai như vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, vướng mắc liên quan đến quy định về khoáng sản còn chưa rõ ràng.
Do đó, cần quy định việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn.
Nguyên nhân khác là do khâu tổ chức thực hiện như công tác lập kế hoạch chưa sát khả năng thực hiện, công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa tốt, phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm. Tình trạng thiếu đất, cát và nguyên nhiên vật liệu thi công cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân chưa được như kỳ vọng.
Để khơi thông dòng vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế, tôi cho rằng yếu tố then chốt vẫn là hoàn thiện các các quy định của pháp luật theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tế, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, đơn giản hóa thủ tục ở tất cả các bước, các khâu liên quan đến dự án đầu tư công. Về tổ chức thực hiện, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bao quát công việc, nêu gương của người đứng đầu. Ban cán sự Đảng, Đoàn cần đưa nội dung giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính sẽ triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế – xã hội có những thách thức đan xen, tôi dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi.
Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; Bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp.