Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều học sinh tại chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Đà Lạt sáng 23.3.
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại website Báo Thanh Niên thanhnien.vn, qua fanpage và các kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên, với sự tham gia của tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa.
KHÔNG TRƯỜNG NÀO ĐẢM BẢO VÀO HỌC LÀ CÓ VIỆC LÀM
Một học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú đặt câu hỏi cho đại diện Bộ GD-ĐT: “Năm nay em muốn xét tuyển vào ĐH, nhưng em nghe nói các anh chị tốt nghiệp ĐH thất nghiệp nhiều, vậy em có nên học ĐH hay không và đăng ký trường nào để chắc chắn có việc làm?”.
Trao đổi về vấn đề học sinh đặt ra, tiến sĩ Phạm Như Nghệ thông tin: “Chính phủ VN đã cam kết với thế giới là xây dựng kinh tế VN trở thành nền kinh tế tri thức. Để phát triển đất nước và phát triển bản thân, chúng ta không có cách nào khác là phải đi học. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên của nước ta rất thấp, chỉ khoảng 200 sinh viên/1 vạn dân. Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực số, mục tiêu đến năm 2023 chúng ta phải cố gắng đạt tỷ lệ 260 sinh viên/1 vạn dân. Trong thời gian tới, kinh tế VN phát triển, thị trường lao động càng cần nhân lực tốt nghiệp ĐH. Vì thế các trường ĐH phải tiếp tục tăng quy mô tuyển sinh để có thể đáp ứng được nhu cầu”.
Theo tiến sĩ Nghệ, VN hiện có 250 trường ĐH/100 triệu dân. Nếu so sánh với Nhật Bản 125 triệu dân nhưng có tới 760 trường ĐH, thì số lượng trường ĐH của VN vẫn còn rất thấp.
“Về vấn đề thất nghiệp hay không, chúng ta phải nhìn ở góc độ rộng hơn. Trên thế giới, không quốc gia nào là không có thất nghiệp. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% là bình thường. Đây cũng là một trong những điều kiện để kích thích thị trường lao động phát triển, kích thích việc đào tạo có chất lượng và kích thích người lao động tự nâng cao chuyên môn kỹ năng. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở VN thấp hơn so với nhiều nước”, tiến sĩ Nghệ nhìn nhận.
Theo ông Nghệ, có nhiều yếu tố dẫn đến thất nghiệp, chẳng hạn thị trường lao động chưa tạo ra đủ việc làm so với số lượng sinh viên ra trường, hoặc sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc…
Từ đó, tiến sĩ Nghệ lưu ý học sinh về việc không có trường ĐH nào đảm bảo cứ vào học là có việc làm, vì việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân người học. “Một sinh viên học ở trường ĐH danh giá vẫn có thể thất nghiệp, trong khi một em khác học nghề ở trường CĐ lại vẫn có việc. Quan trọng nhất là khi đã lựa chọn được ngành học, các em phải có đam mê, quyết tâm và nỗ lực để có kết quả học tập tốt. Bên cạnh chương trình học chính khóa, sinh viên phải trang bị thêm kỹ năng mềm, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, học ngoại ngữ, tin học để sau này có thể đáp ứng yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng”, tiến sĩ Nghệ nói.
Về những ngành nghề đang thu hút nhân lực ở vùng Tây nguyên, đảm bảo ra trường có việc làm, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Đà Lạt, cho biết: “Những lĩnh vực trọng tâm là nông lâm nghiệp, công nghệ chế biến, du lịch, trong đó có các ngành nghề về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa, năng lượng tái tạo, logistics, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…”.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁC NGÀNH GẦN
Phạm Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt), thắc mắc về sự khác nhau giữa ngành sinh học và công nghệ sinh học và khối B có thể xét tuyển vào ngành nào khác ngoài 2 ngành trên.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy phân tích, sinh học gồm những kiến thức chuyên sâu về động thực vật, vi sinh vật; sự hình thành, phát triển và tiến hóa của sinh vật. Ngành này là nền tảng cho công nghệ sinh học phát triển. Còn công nghệ sinh học sẽ ứng dụng các kiến thức sinh học, các quy trình công nghệ, đưa ra các công trình nghiên cứu mang tính khoa học phục vụ cuộc sống. Cơ hội việc làm của 2 ngành này tương đương nhau.
“Nếu xét khối B, ngoài 2 ngành này, em có thể xét vào ngành công nghệ thực phẩm, nông học, công nghệ sau thu hoạch, sư phạm sinh, sư phạm hóa tại Trường ĐH Đà Lạt”, tiến sĩ Duy chia sẻ.
Thạc sĩ Đỗ Văn Cao, Phó phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Nha Trang, cho biết ngành công nghệ sinh học của trường thiết kế theo hướng sinh học biển và đa dạng sinh học. Còn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì ngành này có các chuyên ngành công nghệ sinh học cho nông nghiệp, công nghệ sinh học trong y sinh và công nghệ sinh học thẩm mỹ.
Trong khi đó, một học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long lại phân vân giữa quản trị dịch vụ du lịch lữ hành và văn hóa du lịch vì không biết 2 ngành này khác nhau ra sao. Tiến sĩ Văn Hữu Quang Nhật, Trưởng khoa Kinh tế và quản trị, Trường ĐH Thái Bình Dương, giải đáp: “Ngành văn hóa du lịch nghiên cứu sâu về văn hóa các địa phương, quốc gia để thiết kế tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa. Ngành này có liên quan đến cả kiến thức marketing và truyền thông. Còn ngành quản trị dịch vụ du lịch lữ hành cung cấp kiến thức về quản trị doanh nghiệp, thiết lập vận hành công ty du lịch hiệu quả”.