Stress, nhiễm trùng, chấn thương, hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc một số thuốc dễ kích hoạt vảy nến bùng phát.
Vảy nến là bệnh viêm hệ thống mạn tính không lây, diễn tiến từng đợt. Bệnh xảy ra khi các tế bào da được thay mới chỉ trong 3-7 ngày, nhanh hơn bình thường (khoảng 28 ngày), gây tích tụ tế bào da tạo ra các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy. Những mảng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Bệnh tác động xấu đến chất lượng sống của người mắc và chưa có phương pháp điều trị triệt để.
ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết căn nguyên bệnh vảy nến liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bệnh không phải lúc nào cũng biểu hiện mà cần có một số điều kiện thuận lợi để bùng phát như:
Căng thẳng tinh thần: Stress và vảy nến có mối quan hệ khá phức tạp. Phần lớn người bệnh khi đến khám cho biết họ thường bị bùng phát vảy nến khi căng thẳng tâm lý do công việc, đời sống, kinh tế. Càng stress bệnh càng nặng và ngược lại. Song song với điều trị bằng thuốc, người bệnh được điều trị tâm lý ổn định. Khi đó, vảy nến nhanh được kiểm soát và giảm bùng phát trong thời gian dài.
Chấn thương: Khi bị chấn thương (vết xước, rách da, bầm tím) do tai nạn, sinh hoạt, va chạm giao thông…, hệ thống miễn dịch kích hoạt quá trình tăng sinh tế bào và mạch máu làm lành vết thương. Thời điểm này cũng đồng thời kích hoạt đợt vảy nến. Sang thương vảy nến có thể xuất hiện tại vị trí chấn thương, gọi là hiện tượng Koebner.
Nhiễm trùng: Một đợt vảy nến (thường gặp hơn là thể vảy nến giọt, vảy nến mảng) có thể khởi phát sau khi người bệnh bị nhiễm trùng do liên cầu khuẩn ở amidan (viêm họng), nhiễm trùng da, tiêu hóa, viêm tai hoặc nhiễm HIV.
Thuốc: Bác sĩ Trang cho biết nhiều thuốc là nguyên nhân hoặc là yếu tố làm nặng thêm vảy nến có sẵn như muối lithium, kháng sốt rét tổng hợp, kháng viêm không steroid, corticoid…
Bác sĩ Trang lưu ý người bệnh tự ý dùng corticoid, các loại lá cây, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả dễ khiến phát bệnh hơn. Trong thành phần các thuốc này có thể chứa những hoạt chất giống corticoid, uống kéo dài làm vảy nến lan rộng và nặng hơn. Đồng thời corticoid làm rối loạn nội tiết, gây hội chứng Cushing do thuốc, dễ kích ứng da và tăng nguy cơ nhiễm trùng da…
Lạm dụng rượu bia: Uống nhiều rượu là yếu tố được ghi nhận có liên quan vảy nến nặng. Uống rượu cũng tăng tần suất lo lắng, trầm cảm – những yếu tố khác kích thích bệnh vảy nến.
Hút thuốc lá: Những người hút thuốc có nguy cơ tái phát vảy nến cao gấp đôi so với người không hút. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch song song với bệnh vảy nến như tăng huyết áp, bệnh mạch máu ngoại biên, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Do đó, tất cả bệnh nhân vảy nến đều được khuyến cáo ngừng hút thuốc lá.
Thực phẩm: Bệnh nhân vảy nến thừa cân, béo phì (BMI trên 25) nên thực hiện chế độ ăn ít calo. Người bị vảy nến có chẩn đoán bệnh Celiac cần thực hiện chế độ ăn không gluten. Chế độ ăn uống bao gồm cá hồi, cá trích, cá thu, dầu ô liu nguyên chất, cây họ đậu, rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… tốt cho người bệnh.
Ánh nắng: Tiếp xúc với tia UV tự nhiên trong ánh nắng mặt trời có thể làm giảm hiện tượng viêm và giảm vảy ở những người mắc vảy nến nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến khích bệnh nhân vảy nến phơi nắng để điều trị vì có thể gây bỏng nắng nếu ở dưới trời nắng lâu.
Ánh nắng mặt trời khung giờ cao điểm (10-16h) có cường độ tia UV và mức nhiệt độ cao dễ gây khô da, bỏng nắng. Da người bệnh vảy nến vốn nhạy cảm nên càng dễ tổn thương, kích ứng khiến bệnh dễ tái phát, hơn nữa làm tăng nguy cơ ung thư da.
Theo bác sĩ Trang, tùy vào yếu tố làm bùng phát bệnh vảy nến để chọn phương pháp điều trị riêng cho từng bệnh nhân. Để ngăn các đợt bệnh tái phát thường xuyên, người bệnh cần chủ động tránh các yếu tố nguy cơ trên. Tập thể dục nhẹ nhàng, ít nhất 30-45 phút mỗi ngày, duy trì cân nặng phù hợp, ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày. Lựa chọn xà phòng, dầu gội, mỹ phẩm dành cho da nhạy cảm, không có chất tẩy rửa mạnh.
Người bệnh nên tuân thủ điều trị của bác sĩ, tái khám đều đặn theo lịch. Không nên tự ý ngừng thuốc điều trị vảy nến đột ngột hoặc tự sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |