Người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 28/5 trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai (runoff) giữa Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan và ứng cử viên Kemal Kilicdaroglu của phe đối lập.
Cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu ông Erdogan có thể nối dài thời gian cầm quyền của mình – vốn đã kéo dài 20 năm – hay không, với nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm lần thứ 3.
Cử tri cực hữu
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 14/5, ông Erdogan đã nhận được 49,5% số phiếu ủng hộ, chỉ thiếu một chút là giành đủ đa số cần thiết (hơn 50%) để tránh vòng bỏ phiếu thứ hai được coi là một cuộc trưng cầu dân ý về cách ông lãnh đạo quốc gia liên lục địa Á-Âu này.
Ông Kilicdaroglu, ứng cử viên của liên minh 6 đảng đối lập, nhận được 44,9% số phiếu ủng hộ.
Về thứ 3 là ông Sinan Ogan – ứng cử viên đại diện cho Liên minh những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan (ATA) với 5,2% số phiếu.
Mặc dù bị loại, ứng cử viên cực hữu này có khả năng trở thành một kingmaker – người nắm vai trò quyết định thắng thua cho 2 đối thủ trong vòng runoff sắp tới.
Nhiệm vụ của ông Erdogan và ông Kilicdaroglu bây giờ là làm thế nào thu hút được 2,8 triệu cử tri cực hữu, những người có thể tạo ra sự khác biệt.
Kể từ đó, ông Kilicdaroglu đã nhân lên nhiều lời kêu gọi ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc chọn phe, đồng thời thay đổi lập trường của mình về vấn đề nhập cư, đặc biệt là đối với 3,7 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù trước đó tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền.
“Đó là một sự mâu thuẫn”, ông Sinan Ciddi, một nhà khoa học chính trị chuyên về Thổ Nhĩ Kỳ và là nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Foundation for the Defense of Democracies (FDD), nói với Euronews.
“Trong nhiều tháng, họ đã nói về sự hòa nhập, sự khác biệt… Và bây giờ, trong khoảng thời gian khoảng 10 ngày, ứng cử viên của Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) trung tả đã chuyển hẳn sang cánh hữu”.
Nhưng nỗ lực của ông Kilicdaroglu đã không mấy thành công. Hôm 22/5, ông Ogan đã tuyên bố ủng hộ ông Erdogan, mặc dù không rõ có bao nhiêu người trong số 5,2% cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu này ở vòng đầu tiên sẽ đi theo sự dẫn dắt của ông trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 sắp tới.
Việc Liên minh ATA tan rã sau thất bại bầu cử vừa qua cũng khiến việc dự đoán các cử tri cực hữu sẽ bỏ phiếu như thế nào vào ngày 28/5 tới trở nên khó khăn hơn.
Đối nội, đối ngoại
Cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định không chỉ ai là người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO với 85 triệu dân, với nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí, mà còn định hình chính sách đối ngoại của nước này.
Những người chỉ trích ông Erdogan nói rằng chính phủ của ông đã bịt miệng những người bất đồng chính kiến, làm xói mòn các quyền và kiểm soát hệ thống tư pháp. Các quan chức đã bác bỏ những cáo buộc trên.
Kinh tế là một khía cạnh quan trọng trong cuộc đua giành ghế Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà kinh tế cho rằng chính chính sách lãi suất thấp bất thường của ông Erdogan bất chấp giá cả tăng cao đã đẩy lạm phát lên 85% vào năm ngoái và khiến đồng Lira giảm xuống còn 1/10 giá trị so với đồng USD trong thập kỷ qua. Ông Kilicdaroglu đã cam kết quay trở lại chính sách kinh tế chính thống hơn và khôi phục sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Về đối ngoại, dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sức mạnh quân sự ở Trung Đông và hơn thế nữa, củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, đồng thời chứng kiến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng. Ankara cho đến nay vẫn chặn tư cách thành viên của Thụy Điển trong liên minh quân sự NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Moscow và Kiev về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, và ông Erdogan tuần trước cho biết thỏa thuận đã được gia hạn thêm 2 tháng.
Không rõ nếu ông Erdogan thua cuộc thì người kế nhiệm ông có thể đạt được thành tích tương tự mà ông đã tạo ra cho Thổ Nhĩ Kỳ trên trường thế giới hay không.
Theo quy định bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ, các tin tức, dự báo và bình luận về cuộc bỏ phiếu bị cấm cho đến 18h giờ địa phương ngày 28/5, và các phương tiện truyền thông chỉ được tự do đưa tin về kết quả bầu cử từ 21h trở đi. (Giờ Việt Nam trước giờ Thổ Nhĩ Kỳ 4 tiếng).
Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) có thể cho phép các phương tiện truyền thông đưa tin về kết quả sớm hơn và thường là như vậy. Kết quả cuộc bầu cử nước rút Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/5 tới có thể sẽ xuất hiện sớm hơn so với kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 do lá phiếu vòng 2 tương đối đơn giản.
Minh Đức (Theo Euronews, Reuters, Politico.eu)