Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yêu thương không lời

BPO - “Cuối tuần này, hai vợ chồng sắp xếp đưa các cháu về chơi với ông bà. Hai tuần rồi bố chưa gặp sắp nhỏ…”. Tin nhắn từ bố đến vào một buổi tối muộn, khi tôi đang tất bật với công việc còn dang dở. Dòng tin chỉ vài từ ngắn gọn nhưng khiến tôi nghèn nghẹn nơi cổ họng. Bố không than phiền, không trách móc vì con cháu ít ghé thăm. Chỉ là một lời nhắc nhẹ, nhưng ẩn sâu trong đó là bao nỗi nhớ, là tình cảm lặng lẽ mà sâu sắc của một người đã dành cả cuộc đời để lo cho con, cháu.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước19/04/2025

Bố tôi là một người lính Cụ Hồ. Hơn 16 năm bố gắn bó với màu áo xanh bộ đội. Hồi còn nhỏ, tôi không hiểu nhiều về “nghề” của bố, chỉ biết mỗi lần nghe tiếng loa phát thanh đọc danh sách các đơn vị hành quân qua địa phương, mẹ lại khựng lại, lắng nghe từng chữ, rồi khẽ thở dài vì biết đơn vị bố không đi qua nhà. 

Chỉ khi lớn lên, tôi mới hiểu vì sao suốt tuổi thơ dài của tôi, bố luôn vắng mặt trong những bữa cơm gia đình, những dịp sum họp, hay cả những lần chúng tôi đau ốm. Bố không đi đến nơi xa hoa, cũng chẳng mưu cầu gì cho riêng mình, bố đang cùng đồng đội hành quân khắp nơi, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm tháng đất nước còn chưa yên tiếng súng, bố cùng đồng đội vẫn âm thầm giữ gìn từng tấc đất quê hương. Mỗi bước chân của bố là một phần hành trình đem lại bình yên cho bao gia đình khác. Còn mẹ là người thay bố ở lại, dạy dỗ, chăm sóc và giữ cho hình ảnh của bố luôn hiện diện trong trái tim chúng tôi, dù chỉ qua từng câu chuyện kể trước giờ đi ngủ. Nhờ đó, dù không thường xuyên được gặp bố, chúng tôi vẫn lớn lên cùng hình ảnh của một người bố kiên cường, lặng lẽ mà đầy yêu thương.

Khi rời quân ngũ, bố trở về quê hương với dáng vẻ của một người lính đã đi qua nhiều năm tháng gian truân - lặng lẽ, trầm ngâm nhưng ánh mắt vẫn luôn sáng và vững chãi. Bố không nói nhiều về những gì mình đã trải qua, mà lặng lẽ bắt đầu một hành trình mới - hành trình làm chồng, làm cha, làm trụ cột trong ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn cũ kỹ.

Khác hẳn với mẹ, người luôn dịu dàng và ân cần, bố nghiêm khắc và ít nói. Những cái ôm ấm áp hay lời yêu thương từ bố gần như là điều xa xỉ với chúng tôi. Thay vào đó, bố dạy chúng tôi bằng hành động - là sự đúng giờ, là việc tự giác dọn dẹp, là cách sống có trách nhiệm với lời nói và việc làm. Lúc còn bé, tôi không hiểu, thậm chí đôi khi thấy tủi thân, có khi lại giận bố vì sao bố không hay cười, hay cưng nựng con như bao người bố khác. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy tình yêu của bố không ồn ào, không phô trương, mà âm thầm, bền bỉ, như chính con người ông vậy!

Mặc dù ít nói, sống đơn giản và lặng lẽ, nhưng bố lại chất chứa trong lòng cả một trời thương yêu dành cho gia đình. Bố không hay thể hiện tình cảm qua lời nói, cũng chẳng bao giờ nói lời yêu thương, nhưng lại luôn âm thầm làm mọi thứ cho gia đình. Có những hôm mẹ ốm, bố lặng lẽ vào bếp nấu cháo, gọt hoa quả, lóng ngóng đến vụng về, nhưng chẳng để mẹ đụng tay vào việc gì. Khi anh em tôi lập gia đình và ra ở riêng, ai cũng bận rộn, bố biết điều đó, nên không bao giờ gọi điện nhiều hay nhắn gì lâu. Có lần bố bị sốt cao mấy ngày, nhưng vẫn tự chạy xe đi mua thuốc vì không muốn phiền ai. Cánh cổng trước nhà hỏng, bố cũng tự sửa. Dây điện bị chuột cắn, bố bắc ghế chắp nối từng chút một. Lưng đã còng, mắt đã mờ, vậy mà bố vẫn không chịu nhờ con cháu. 

Cuộc sống cứ cuốn chúng tôi đi lúc nào chẳng hay. Công việc, lịch họp, con cái... đủ thứ bận rộn khiến anh em tôi thỉnh thoảng mới nhớ gọi điện hỏi thăm bố mẹ, chứ chưa nói gì đến việc về thăm. Trong khi nhà chỉ cách chưa đến 2 cây số, đi xe máy chưa tới mười phút. Không hiểu sao, quãng đường ngắn ngủi ấy nhiều lúc lại thấy xa xôi đến lạ. Chỉ cần rẽ qua một cái là tới, nhưng để thu xếp một buổi về chơi với bố mẹ, đôi khi lại thấy khó hơn cả việc chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày.

Mỗi lần gọi cho bố, lúc nào tôi cũng chỉ nghe một câu quen thuộc: “Các con khỏe là bố mừng rồi, cứ lo việc của mình đi”. Nghe riết thành quen, nhưng càng lớn, tôi càng thấy câu nói ấy không hề đơn giản. Đó không chỉ là sự thông cảm, mà là cách bố giấu đi nỗi mong mỏi được gần con cháu. Là cách bố thương, mà không nói thẳng ra. Bố ít khi đòi hỏi điều gì, nhưng tôi biết, bố vẫn luôn mong những bữa cơm đông đủ, có tiếng cười của con cháu, có người rót cho bố chén trà. Chỉ vậy thôi, là bố đã thấy hạnh phúc rồi.

Nhiều khi nghĩ lại, tôi tự trách mình. Giá như những cuộc gọi không phải lúc nào cũng vội vàng. Giá như tôi về nhà thường xuyên hơn, chỉ để ngồi cạnh bố, nghe bố kể mấy chuyện lặt vặt như cây cà chua mới trổ bông hay con gà vừa đẻ trứng… thì có lẽ khoảng cách ấy chẳng bao giờ lớn đến thế. Vì với bố, yêu thương đâu cần điều to tát. Chỉ cần con cái chịu về, chịu ngồi bên bố, nghe bố nói dăm ba câu chuyện đời thường, vậy là bố đã đủ ấm lòng.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171708/yeu-thuong-khong-loi


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm