Nhà báo Nguyễn Đức Đệ – Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam được biết đến là nhà báo giành được nhiều giải thưởng. Trong đó gần đây nhất cuối tháng 11 năm 2023, bộ phim tài liệu “Người ơi, đừng khóc cuối đường” của anh tiếp tục nhận được Giải thưởng Ban Giám khảo dành cho phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23…
Tìm những mảnh đời ở góc khuất trong xã hội
+ Không phải là đề tài nhiều gai góc, nhưng phóng sự điều tra về phòng chống tham nhũng “Người ơi, đừng khóc cuối đường” chân thật, nhẹ nhàng, sâu lắng về những mảnh đời đang hàng ngày chống lại căn bệnh phong quái ác… Theo anh, điều gì đã khiến “Người ơi, đừng khóc cuối đường” thu hút được sự chú ý của khán giả, đặc biệt là tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23?
– Nhiệm vụ của tôi hiện nay là vừa thực hiện các đề tài thời sự, các phóng sự điều tra vừa tham gia đạo diễn, biên kịch phim tài liệu. Một lúc ôm đồm nhiều công việc với nhiều thể loại khác nhau, khiến bản thân tôi có lúc cảm thấy mình khó có thể đáp ứng được. Nhưng rồi, được lãnh đạo cơ quan và anh chị đồng nghiệp động viên hỗ trợ, tôi dần xem đó là thử thách thú vị và từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tôi nghĩ, mỗi thể loại truyền hình có một thế mạnh riêng. Nếu bạn đủ yêu quý công việc mình làm, bạn sẽ không ngừng học hỏi để tìm thấy cách ghi chép, cách kể chuyện có thể khai thác hiệu quả thế mạnh đó. Với phim tài liệu, tôi cảm thấy mình được đến thật gần với nhân vật của mình, được quan sát bằng chính con mắt của họ. Và có rất nhiều câu chuyện cho thấy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cái đẹp, sự tử tế vẫn luôn tồn tại.
“Người ơi, đừng khóc cuối đường” nói về những đôi vợ chồng là những cụ ông, cụ bà mắc bệnh phong ở Trung tâm điều trị phong Bến Sắn ở Bình Dương. Mắc căn bệnh mà nhiều người gọi là cùi, hủi và từng được xem là “tứ chứng nan y”, họ như bị dồn vào ngõ cụt, không lối thoát. Bệnh tật làm họ đau đớn, cô đơn, còn sự xa lánh của người đời khiến họ như chết dần chết mòn. “Người ơi, đừng khóc cuối đường” là một phép ẩn dụ cho câu chuyện về những mảnh đời khốn khó nhưng vẫn luôn động viên nhau nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Họ đã đấu tranh từng ngày để được sống, để được cho đi những ngọt ngào nhỏ bé, nhưng trọn vẹn và ấm áp.
+ Một tác phẩm không có lời bình, các nhân vật tự nói về cuộc đời mình, những tâm sự có lẽ họ chưa bao giờ nói ra, anh và ê-kíp đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào để thu thập được khối lượng thông tin, hình ảnh đắt giá, có những khoảnh khắc mang đến nhiều cung bậc cảm xúc?
– Tôi xem một phóng sự ngắn của đồng nghiệp về buổi tặng quà ở Trung tâm điều trị Phong Bến Sắn và muốn kể nhiều hơn về câu chuyện này bằng thể loại phim tài liệu. Tôi đến trung tâm nói rõ mong muốn làm phim với Cán bộ trung tâm và bệnh nhân, và may mắn được chấp thuận.
Cứ cách khoảng một vài tuần tôi lại trở lại, trò chuyện, thăm hỏi và có khi là ăn uống cùng bệnh nhân. Khi mọi người quen dần với ống kính máy quay, xem chúng tôi là một phần quen thuộc trong cuộc sống của họ, lúc này chúng tôi mới thật sự bấm máy. Những khoảng khắc xúc động, giản dị cứ thế diễn ra…
Thời gian ghi lại những hình ảnh mà khán giả thấy trong phim, có lúc chúng tôi vừa quay vừa lau vội nước mắt. Theo các nhân vật của mình gần 1 năm, có lúc, tôi nghĩ những mất mát của họ, nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của chính mình. Có lẽ, sự đồng cảm đã giúp tôi chuyển tải trọn vẹn, chân thật câu chuyện của những con người giàu nghị lực, đầy ắp thứ tình cảm đẹp đẽ đến với khán giả.
Tâm thế của một người kể chuyện tận tụy
+ Không chỉ “Người ơi, đừng khóc cuối đường” mà phần lớn các bộ phim tài liệu của anh (Bốn mùa trong rừng thẳm; Bình yêu con nhé…) thường truyền tải câu chuyện chỉ với hình ảnh, âm thanh từ hiện trường, không có lời bình… nhưng gây ám ảnh và cảm xúc mạnh. Anh có thể chia sẻ thêm về phương thức tác nghiệp ấy?
– Điện ảnh trực tiếp là cách kể chuyện đang được nhiều người làm phim tài liệu sử dụng. Thay cho lời bình, nhân vật được nói lên tiếng nói của mình, như trực tiếp kể chuyện của đời mình với khán giả. Mỗi người xem có thể có cách nhìn nhận đánh giá về phim, về câu chuyện mà họ theo dõi theo cách riêng của mình. Sự khách quan tương đối này nhiều khi giúp phim được nhớ đến nhiều hơn…
Với những phim tài liệu mà tôi từng thực hiện, tôi thường cố gắng dự đoán tình huống, cố gắng ghi chép đầy đủ những diễn biến xoay quanh nhân vật của mình, rồi sắp xếp lại thành một phim tài liệu hoàn chỉnh. Làm phim theo cách này, chắc chắn đòi hỏi nhiều thời gian, đòi hỏi phải kiên trì, nhưng tôi vui vì phim phản ánh đầy đủ câu chuyện theo cách nó đang diễn ra và thật sự trở thành chiếc cầu nối, kết nối trực tiếp nhân vật của tôi với khán giả…
+ Khác với báo mạng, báo ảnh hay phát thanh, mỗi một bộ phim truyền hình để tạo được ấn tượng, mang lại cảm xúc, nỗi nhớ cho người xem. Theo anh người làm phim cần mang trong mình những “hành trang”, đức tính gì để các tác phẩm truyền hình đều có chất lượng, được thổi hồn vào từng giây, từng phút trong phim?
– Tôi nghĩ, làm bất cứ công việc gì, để thành công, điều đầu tiên là bạn phải hứng thú và yêu thích nó. Tôi yêu quý công việc mình làm, luôn tò mò với những câu chuyện giàu tính thông điệp mà tôi biết và cố gắng tìm hiểu sâu, kỹ những gì xảy ra xung quanh nó. Để có một tác phẩm truyền hình hay có lẽ không có một công thức chung nào, tất cả phụ thuộc vào vị trí mà mỗi người làm truyền hình tự xác lập trong câu chuyện mình muốn kể.
Tôi chọn cho mình tâm thế của một người kể chuyện tận tụy. Tôi bắt đầu tìm đến với nhân vật trong phim của mình với mong muốn trở thành một người bạn có thể thấu hiểu, có thể cảm thông và chia sẻ. Và rồi nhận được từ họ sự quý mến, tin tưởng. Khi bạn có sự liên kết chặt chẽ với nhân vật của mình, câu chuyện của bạn chắc chắn sẽ có nhiều điều đáng nhớ…
+ Xin trân trọng cảm ơn anh!
Lê Tâm (Thực hiện)