Khích lệ tinh thần học tập, sáng tạo, yêu nước…
Cuộc thi được tổ chức với mục đích kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2025); kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024); Đồng thời nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam (25/8/1911-25/82024).
Cuộc thi được tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần chủ động tìm hiểu, học hỏi nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử cách mạng nước nhà đối với sinh viên Đại học Bách Khoa nói riêng và sinh viên Đại học trên địa bàn TP Hà Nội nói chung thông qua phương thức tiếp cận đổi mới và sáng tạo trên khía cạnh sân khấu “Kịch”.
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng mong muốn nâng cao hiểu biết của sinh viên về mô hình nghệ thuật truyền thống vô cùng sâu sắc và ý nghĩa của nước nhà. Khích lệ tinh thần học tập, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, yêu nước…
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Việc lựa chọn chủ đề: “Người chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã thể hiện nhãn quan, tấm lòng của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đối với người lính, đối với chiến thắng Điện Biên Phủ – chiến thắng đã mở ra cho đất nước Việt Nam một thời kỳ mới về giải phóng đất nước để dựng nước. Do vậy, mỗi con người chúng ta khi được hưởng hoà bình của ngày nay thì sẽ cần phải nhớ ơn tới tất cả các anh hùng, chiến sĩ đã trải qua nhiều gian khó để giữ gìn độc lập dân tộc”.
“Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội thì tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Trần Đại Nghĩa luôn luôn gắn liền với sự phát triển của nhà trường. Chúng tôi nghĩ rằng những sự kiện này sẽ giúp cho sinh viên trường Đại học Bách khoa trưởng thành hơn, các sinh viên sẽ có những tâm thế, sự trân trọng đối với lịch sử, trận trọng nhà trường và cuộc sống ngày hôm nay để rồi mai khi các em ra trường, làm việc ở cuộc sống thì sự trân trọng sẽ biến thành sức mạnh giúp các em thành công hơn”, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, cuộc thi đã đem đến nhiều góc nhìn mới lạ và độc đáo hơn về tình yêu nước của các đội thi được thể hiện qua các vở diễn, từng nhân vật trong vở và cách thể hiện của các bạn sinh viên. Qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của sinh viên Đại học Bách khoa nói riêng và tất cả các đội thi nói chung về môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
NSND Lan Hương: “Chúng ta biết san sẻ thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng”
Là một trong 3 thành viên ban giám khảo cuộc thi, NSND Lan Hương chia sẻ: “Tôi thấy các bạn sinh viên hôm nay rất giỏi, tôi rất vui và ngạc nhiên vì ở đây có CLB sân khấu. Các bạn sinh viên chắc chắn phải rất yêu sân khấu thì mới diễn hay như thế. Chưa kể các bạn học ở trường Đại học chuyên về những môn khoa học tự nhiên, vậy mà đã phát triển mảng văn hoá xã hội rất tốt. Đặc biệt, các bạn trẻ ngày hôm nay đã biến các kiến thức xã hội ở sinh viên để đến với sinh viên thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Đây là một việc làm rất thông minh và hiệu quả”.
Theo NSND Lan Hương, các tiết mục ở vòng chung kết đều rất tốt, tuy nhiên việc lựa chọn trang phục diễn ngày hôm nay tuy còn nhiều thiếu xót, bởi các bạn vẫn còn rất là trẻ chưa hiểu sâu về kiến thức lịch sử. Do vậy, NSND Lan Hương mong muốn các bạn sinh viên hãy tìm hiểu thật kỹ hơn về lịch sử để có đủ kiến thức về những thời điểm lịch sử, qua đó giúp các bạn trẻ có thể diễn được những tác phẩm sân khấu tốt và hoàn chỉnh nhất.
“Thật sự nếu như không có sự thiếu xót về mặt phục trang, hoá trang thì các bạn sinh viên đã có các tác phẩm mà tôi nghĩ có thể đem đi biểu diễn vào những dịp như kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ… mặc dù những tác phẩm nhỏ, nói về một khía cạnh rất là nhỏ, nhưng nó diễn tả được tình cảm, suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay về thế hệ cha ông, về những chiến công lẫy lừng mang tính lịch sử của dân tộc Việt Nam”, NSND Lan Hương chia sẻ.
Đánh giá về việc xây dựng tác phẩm, NSND Lan Hương chia sẻ: “Tôi rất thích cách đánh giá của các bạn sinh viên hôm nay, rất hồn nhiên, trong sáng và không đao to búa lớn. Tuy nhiên tôi thấy được sự biết ơn, suy nghĩ, tâm tư của thế hệ trẻ về thế hệ cha anh đi trước và họ có lòng biết ơn về thế hệ đi trước cũng như với cuộc sống đang hưởng thụ ngày hôm nay. Trong hoà bình, no ấm, trong sự đầy đủ, họ hiểu được sự hy sinh của cha ông. Họ cảm nhận thông qua việc làm rất nhỏ, câu chuyện rất nhỏ và nó đến dường như quá đơn giản. Nhưng điều đó chính là những viên gạch đầu tiên, những hạt cát để chúng ta xây dựng lên những ý tưởng, những vở kịch hay và hấp dẫn”.
Nhận xét về tác phẩm “Huyền thoại mẹ” – giành giải quán quân cuộc thi, NSND Lan Hương cho rằng: “Tác phẩm đạt giải quán quân ngày hôm nay được viết rất chỉn chu, ngôn ngữ văn học rất tốt, diễn viên khá chuyên nghiệp, có sự cảm thụ vai diễn tốt, tôi rất ngạc nhiên với CLB Sân khấu ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tôi hy vọng rằng mô hình CLB sân khấu ở các trường Đại học giúp truyền tải những bài học, tác phẩm lịch sử, rồi những kiến thức xã hội thông qua các phẩm nghệ thuật, thông qua lời ca tiếng hát, những vở kịch, những bộ phim ngắn có nhiều hơn nữa ở các trường khác trên đất nước này”.
Qua đây, NSND Lan Hương muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang là sinh viên hay cứ yêu nghệ thuật và làm việc hết mình. Tình yêu của các bạn trẻ sẽ hướng các bạn tới việc làm tốt, cuộc sống sẽ mỉm cười với mỗi người. Khi chúng ta có tình yêu, chúng ta biết san sẻ thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
– Giải quán quân cuộc thi thuộc về đội Lửa Điện Biên Bách khoa (tác phẩm: Huyền thoại mẹ).
– Giải Nhì thuộc về trường Đại học Y Hà Nội (tác phẩm: Tình Điện Biên).
– Giải 3 thuộc về các đội gồm: Đội mười Điện Biên (tác phẩm: Dòng máu Lạc Hồng); Người Điện Biên Bách khoa (tác phẩm: Nhớ ơn người anh hùng).
Bài và ảnh: Việt Trung
Nguồn: https://www.congluan.vn/nsnd-lan-huong-cac-ban-tre-hay-cu-yeu-nghe-thuat-lam-viec-het-minh-roi-thanh-qua-se-toi-post298578.html