Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, người khởi xướng hình thành Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, cho rằng mạch nguồn từ Bác trải dài nên không chỉ dừng ở 25 năm, chúng ta có thể khai thác và duy trì công trình đến cả trăm năm.
Hồ Chí Minh: Người cha già của dân tộc
Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh ra đời năm 1999, đến nay đã xuất bản được hơn 60 tựa sách.
Bà Thu Nguyệt chia sẻ khi đọc di chúc của Bác, điều khiến bà và nhà xuất bản xúc động là tình cảm Bác gởi gắm đến mọi tầng lớp như tình thương của người cha già với dân tộc.
Tình cảm đó khiến bà Nguyệt và nhà xuất bản tìm mọi cách để sưu tầm, đặt hàng tác giả viết nhằm lưu giữ lại những di sản quý giá của Bác Hồ trong Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.
Bà Nguyệt nói: “25 năm đã trôi qua, các nội dung sách trong tủ sách được tái bản nhiều lần. Với bộ sách này chúng tôi tự làm, không xin tiền nhà nước mà hiệu quả, không lỗ, thậm chí còn lời”.
Bà chỉ ra những lý do khiến tủ sách tồn tại đã 1/4 thế kỷ và tương lai sẽ còn kéo dài.
Theo bà, mạch nguồn từ Bác luôn trải dài. Không chỉ các tác phẩm do chính Bác viết, mà những tình cảm, ký ức, tình cảm của người dân dành cho Bác là đề tài mà chúng ta có thể khai thác mãi.
Khi thực hiện những tác phẩm này, nhà xuất bản xác định đối tượng là những người trẻ, người đọc bình thường. Các tác phẩm chọn thực hiện rất mỏng. Tác phẩm do chính Bác viết rất dễ đọc, giản dị.
Vì vậy, khi nhà xuất bản đặt hàng các tác giả cũng yêu cầu cách viết để người đọc dễ tiếp cận, không quá học thuật, khô khan.
Hình thức làm bộ sách kiểu gói hộp sách như quà tặng, phù hợp nhu cầu người đọc.
Yếu tố cuối cùng là chọn điểm rơi tung ra sản phẩm. Đó là thời điểm mà mọi người quan tâm sẽ rất dễ lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt.
Hồ Chí Minh và câu chuyện về chính sách ngôn ngữ
Ông Nguyễn Thành Nam, tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, nhấn mạnh tính đặc biệt của bộ sách này là sự đa dạng thể loại, đề tài, tác giả, hình thức…
Có tác phẩm do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, có tác phẩm do tác giả là trí thức, nhà lãnh đạo cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo… viết.
Bộ sách đa dạng hình thức nên dễ tiếp cận người đọc.
Nhà báo Dương Thành Truyền cho rằng Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta câu chuyện về chính sách ngôn ngữ.
Với tiếng Việt, công lao của Người hết sức to lớn. Ngôn ngữ chính là văn hóa, mà văn hóa là sự phát triển lâu bền của một dân tộc.
“Bác Hồ để lại cho chúng ta tấm gương lao động ngôn từ. Di chúc chỉ khoảng 1.000 chữ thôi mà Người viết đi viết lại đến 4 năm vì Bác rất cẩn trọng với câu chữ” – ông Truyền nói.
PGS.TS Hà Minh Hồng có rất nhiều sách viết về Bác. Ông tâm sự người Việt Nam rất thích nói với nhau bằng câu chuyện, thiết thực và dễ cảm.
Vì vậy những quyển sách của ông có nhiều câu chuyện sinh động, để từ đó người đọc dù chưa từng được gặp Bác nhưng cảm thấy như được đến gần Bác và Bác đi vào lòng người dân một cách dung dị.
Với người làm báo, làm công tác tuyên giáo như ông Nguyễn Minh Hải thì những quyển sách xuất phát từ sự quan sát cán bộ cơ sở khi họ rất cần những câu chuyện về Bác để kể dưới cờ hằng tuần, hằng tháng.
Những câu chuyện của ông Hải về Bác đôi khi chỉ gọn gàng chừng một trang thôi nhưng gợi mở nhiều ý tưởng, bài học sâu xa từ Người với thế hệ hôm nay.
Nguồn: https://tuoitre.vn/yeu-kinh-chu-tich-ho-chi-minh-bang-nhung-cau-chuyen-gian-di-20240518144356113.htm